Chỉ số đô la của Bloomberg đã giảm hơn 1,6% trong tuần qua, đây là mức giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 11/2023, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đạt đến cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Những tuyên bố của Tổng thống Trump đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ bao gồm Canada và Mexico đã làm xáo trộn thị trường, nhưng cho đến nay các lệnh hành pháp thực tế để áp dụng ngay các mức thuế cụ thể vẫn chưa được ký kết. Ông đã ra lệnh cho Bộ Tài chính và Bộ Thương mại nghiên cứu các mối quan hệ thương mại hiện tại và báo cáo kết quả trước ngày 1/4.
Đồng đô la có tuần giảm mạnh nhất trong 14 tháng
Trước đó, triển vọng về mức thuế quan cao đối với hàng hóa từ các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Canada, Mexico và khu vực đồng euro đã làm dấy lên lo ngại về một đợt lạm phát mới, điều này đã giúp đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng đô la tăng cao hơn trong những tháng gần đây.
Nhưng động thái này đã đảo ngược một phần trong tuần qua khi các nhà đầu tư cho rằng mức thuế quan có thể không lớn hoặc không lan rộng như lo ngại trước đây. Hôm thứ Năm (23/1), ông Trump cho biết rằng mình có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
"Mọi người ngày càng không tin rằng mức thuế quan sẽ được áp dụng", Adam Button, nhà phân tích tại ForexLive ở Toronto cho biết.
Matthew Hornbach, Giám đốc chiến lược vĩ mô của Morgan Stanley cho biết, các nhà đầu tư đã do dự không muốn bán đồng đô la trước lễ nhậm chức trong trường hợp ông Trump quyết định áp dụng thuế quan ngay lập tức. Tuy nhiên, giờ đây, họ đã có thông tin để hành động.
"Càng tiến xa hơn vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ càng thoải mái hơn khi đồng đô la neo ở mức cao, lãi suất cao và cả hai đều chín muồi để điều chỉnh", chiến lược gia Matthew Hornbach cho biết.
Đồng bảng Anh dẫn đầu mức tăng của G10 so với đồng đô la trong tuần qua, với mức tăng hơn 2,5% sau khi số liệu sản xuất và dịch vụ của Anh mạnh hơn dự kiến. Đồng euro cũng có tuần tăng tốt nhất kể từ năm 2023 khi nhiều bình luận về thương mại của ông Trump kể từ khi nhậm chức nhắm vào các nước láng giềng Bắc Mỹ là Canada và Mexico thay vì EU.
"Những động thái trong tuần qua là lời nhắc nhở rằng một rủi ro chính đối với quan điểm của chúng tôi là sự lặp lại của kết quả chính sách theo kiểu năm 2017, khi chính sách thương mại thực tế hầu như không thay đổi và đồng đô la đã đảo chiều tăng", các chiến lược gia của Goldman Sachs cho biết.
Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng tại Bannockburn Global Forex cho biết một phần sự thoái lui của đồng đô la trong tuần qua có thể là do lý do kỹ thuật, sau khi tăng 10% kể từ cuối tháng 9.
"Nhiều tin tốt cho Mỹ đã được phản ánh vào giá…Một bài kiểm định về sức mạnh của đồng đô la có thể diễn ra vào tuần này nếu Fed giữ nguyên lãi suất và Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Canada và Riksbank Thụy Điển đều cắt giảm lãi suất”, ông cho biết.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất khi tiền lương và giá cả tăng rộng hơn nhưng không đưa ra nhiều manh mối về thời điểm và tốc độ tăng lãi suất trong tương lai.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài