Đồng đô la Mỹ có khởi đầu năm tệ nhất kể từ năm 1973

Đồng đô la Mỹ có khởi đầu năm tệ nhất kể từ năm 1973
9 giờ trướcBài gốc
Chỉ số đồng đô la đo lường sức mạnh của đồng tiền này so với rổ sáu đồng tiền khác đã giảm 10,8% trong sáu tháng đầu năm 2025, là mức giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi hệ thống Bretton Woods kết thúc.
"Đồng đô la đã trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng chính của các chính sách thất thường trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump", Francesco Pesole, chiến lược gia ngoại hối tại ING cho biết.
Cuộc chiến thuế quan, nhu cầu vay nợ lớn của Mỹ và lo ngại về sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã làm suy yếu sức hấp dẫn của đồng đô la như một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.
Hôm thứ Hai (30/6), đồng đô la đã giảm 0,6% khi Thượng viện Mỹ chuẩn bị bắt đầu bỏ phiếu về các sửa đổi đối với dự luật thuế của Tổng thống Trump. Dự luật này dự kiến sẽ bổ sung thêm 3.200 tỷ USD vào nợ của Mỹ trong thập kỷ tới và làm dấy lên lo ngại về tính bền vững của các khoản vay của chính phủ, gây ra làn sóng di cư khỏi thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.
Sự sụt giảm mạnh của đồng đô la đánh dấu nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ mức giảm 15% vào năm 1973 và là mức giảm mạnh nhất trong bất kỳ giai đoạn sáu tháng nào kể từ năm 2009.
Sự trượt giá của đồng đô la đã làm đảo lộn những dự đoán vào đầu năm rằng cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho các nền kinh tế bên ngoài Mỹ trong khi thúc đẩy lạm phát của Mỹ, củng cố sức mạnh của đồng đô la so với các tiền tệ lớn khác.
Thay vào đó, đồng euro đã tăng 13% khi các nhà đầu tư tập trung vào rủi ro tăng trưởng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi nhu cầu về tài sản an toàn tăng ở những nơi khác, chẳng hạn như trái phiếu Đức.
Andrew Balls, Giám đốc đầu tư trái phiếu toàn cầu tại tập đoàn trái phiếu Pimco cho biết: "Chúng ta đã bị cú sốc về thuế quan đối ứng, về khuôn khổ chính sách của Mỹ”. Ông cho biết không có mối đe dọa đáng kể nào đối với vị thế đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới. Nhưng điều đó "không có nghĩa là chúng ta không thể có sự suy yếu đáng kể của đồng đô la".
Bên cạnh đó, yếu tố góp phần thúc đẩy đồng đô la giảm giá trong năm nay là kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ mà Tổng thống Trump đang thúc đẩy.
Kỳ vọng vào lãi suất thấp hơn đã giúp cổ phiếu Mỹ thoát khỏi mối lo ngại về căng thẳng thương mại và xung đột ở Trung Đông để ghi nhận mức cao kỷ lục vào thứ Hai (30/6). Nhưng đồng đô la yếu hơn có nghĩa là chỉ số S&P 500 tiếp tục tụt lại xa so với các đối thủ ở châu Âu khi lợi nhuận được đo bằng cùng một loại tiền tệ.
Các nhà đầu tư lớn từ quỹ hưu trí đến các nhà quản lý dự trữ của ngân hàng trung ương đã tuyên bố mong muốn giảm rủi ro liên quan đến đồng đô la và tài sản của Mỹ, đồng thời đặt câu hỏi liệu đồng tiền này có còn là nơi trú ẩn an toàn trước những biến động của thị trường hay không.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang yêu cầu phòng ngừa rủi ro ngoại hối nhiều hơn đối với các tài sản được định giá bằng đồng đô la và đó là một yếu tố khác ngăn cản đồng đô la theo sau sự phục hồi của cổ phiếu Mỹ”, chiến lược gia Francesco Pesole cho biết.
Vàng cũng đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong năm nay khi các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư khác tiếp tục mua vào vì lo ngại về việc mất giá các tài sản liên quan tới đồng đô la.
Sự sụt giảm của đồng đô la đã đưa đồng tiền xuống mức yếu nhất so với các loại tiền tệ đối thủ trong hơn ba năm. Với tốc độ suy giảm và sự phổ biến của các kỳ vọng giảm giá về đồng đô la, một số nhà phân tích kỳ vọng đồng tiền này sẽ ổn định trở lại.
“Khi đồng đô la suy yếu đã trở thành một giao dịch của đám đông và tôi cho rằng tốc độ suy giảm sẽ chậm lại”, Guy Miller, chiến lược gia thị trường trưởng tại tập đoàn bảo hiểm Zurich cho biết.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-do-la-my-co-khoi-dau-nam-te-nhat-ke-tu-nam-1973-post372195.html