Đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn

Đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn
3 giờ trướcBài gốc
Quán ăn nhỏ của vợ chồng chị Cà Thị Oanh trước khi bị lũ cuốn trôi.
Đầu năm 2023, sau khi kết hôn vợ chồng chị Cà Thị Oanh, bản Mường Pồn 1 mở một quán ăn nhỏ tại bản để mưu sinh. Để có tiền đầu tư vào quán ăn, vợ chồng chị Oanh đã vay NHCSXH 50 triệu đồng và vay thêm anh em, họ hàng gần 100 triệu đồng. Vậy nhưng ông trời lại không thương đôi vợ chồng trẻ khi nợ còn chưa kịp trả thì lũ dữ tràn về. Chỉ sau một đêm, chị Oanh đã mất đi người chồng là anh Lò Văn Piếng, đứa con gái nhỏ mới 5 tháng tuổi đến giờ vẫn chưa thể tìm thấy. Quán ăn nhỏ cũng là tổ ấm ngày của gia đình chị Oanh giờ chỉ còn là bãi đất mông quạnh. Mất đi tất cả, lại thêm gánh nặng nợ nần đè nặng lên đôi vai, khiến người thiếu phụ trẻ ngã quỵ.
Không riêng gia đình chị Oanh, trận lũ quét lịch sử xảy ra tại xã biên giới Mường Pồn đã khiến 7 người chết và mất tích; 123ha đất sản xuất bị vùi lấp, cuốn trôi. Đặc biệt, có 66,5ha đất bị vùi lấp, không thể khắc phục. Trận lũ quét cũng cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, nhiều ngôi nhà bị đổ sập và khoảng 100 ngôi nhà khác bị hư hỏng. Không những gây thiệt hại lớn về người và tài sản trận lũ quét còn tạo gánh nặng nợ nần trên vai những người sống sót, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn khó. Nhiều hộ chưa kịp trả nợ, lãi các khoản vay từ chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo để đầu tư phát triển sản xuất lâm vào cảnh không còn tài sản có giá trị. Mong muốn của họ lúc này là được gia hạn thời gian trả nợ và xem xét cho vay thêm vốn đầu tư tạo việc làm mới để vượt qua khó khăn.
Nỗi đau mất chồng, con và gánh nặng nợ nần khiến chị Cà Thị Oanh (áo xanh) như gục ngã.
Sau khi trận lũ quét xảy ra, liên tục nhiều ngày qua, từ giám đốc Phòng giao dịch đến cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Điện Biên đã bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo xã, trưởng bản, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công tác rà soát, thống kê thiệt hại từ vốn vay các chương trình tín dụng ưu đãi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên thông tin: Qua rà soát, thống kê đã có 46 hộ gia đình là khách hàng đang có dư nợ tại NHCSXH huyện Điện Biên bị thiệt hại nặng, mất nhà cửa, tài sản. Phương án mà NHCSXH đưa ra là sẽ khoanh nợ từ 3 năm hoặc 5 năm đối với những trường hợp vay vốn bị thiệt hại từ 40% đến 100% tài sản. Đối với những hộ dân bị thiệt hại dưới 40% thì được gia hạn nợ. Riêng những hộ bị thiệt hại có thành viên bị chết và không có khả năng trả nợ sẽ được xem xét xóa nợ cả gốc và lãi. Đồng thời, xem xét đầu tư cho vay đối với những trường hợp khó khăn, cho vay chưa hết mức hoặc nằm trong trường hợp khoanh nợ.
Được biết, đến thời điểm này, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên đang hoàn thiện thủ tục trình cấp trên để xóa toàn bộ khoản vay 50 triệu đồng cho hộ gia đình chị Cà Thị Oanh. Ngoài ra còn có 2 hộ dân khác tại xã Mường Pồn đã được khoanh nợ từ 20 - 50 triệu đồng và 2 hộ được hỗ trợ làm hồ sơ tiếp tục cho vay lại.
Sau trận lũ quét, 123ha đất sản xuất ở Mường Pồn bị vùi lấp, cuốn trôi.
Như trường hợp hộ anh Cà Văn Điện ở bản Mường Pồn 1. Trước đó, anh Điện đã vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư đào ao nuôi cá. Sau bao năm chăm chỉ làm ăn, gia đình anh Điện đã trả được 30 triệu đồng tiền vay ngân hàng. Những tưởng sẽ dần ổn định cuộc sống, lứa cá chuẩn bị được xuất bán sẽ giúp gia đình có thêm vốn và mở rộng chăn nuôi thì cơn lũ đã cướp đi kế sinh nhai vốn dĩ ít ỏi của gia đình. Anh Điện chia sẻ: Khi lũ bất ngờ đổ về trong đêm, gia đình tôi không kịp di dời tài sản, nhà cửa thiệt hại; hơn 1.200m2 ruộng và 800m2 ao nuôi cá cũng bị đất đá vùi lấp. Những ngày vừa qua, tôi đã được cán bộ NHCSXH đến hỗ trợ thống kê thiệt hại và hướng dẫn làm các thủ tục để khoanh nợ. Điều này sẽ giúp gia đình tôi giảm bớt gánh nặng về kinh tế sau những thiệt hại vừa qua.
Những ngày sau lũ, người dân cũng rất cần được vay vốn để có nguồn kinh phí tái thiết cuộc sống. Xác định được điều đó, cùng với kịp thời xử lý các khoản nợ đối với những trường hợp gặp rủi ro, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên đã và đang tích cực xem xét nhu cầu của bà con để cho vay bổ sung, cho vay mới. Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên Nguyễn Xuân Thắng, từ tháng 8/2024 đến nay, đơn vị đã giải ngân số tiền khoảng 5 tỷ đồng cho khách hàng là người dân xã Mường Pồn giúp bà con có nguồn vốn kịp thời duy trì sản xuất, ổn định đời sống.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên hỗ trợ người dân xã Mường Pồn làm thủ tục vay vốn.
Với các giải pháp thiết thực, trách nhiệm, việc kịp thời xử lý các khoản nợ đối với những trường hợp gặp rủi ro do thiên tai của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên đã góp phần tiếp sức cho các hộ vay sớm vượt qua khó khăn, tái phát triển sản xuất. Nhằm tiếp tục chia sẻ, đồng hành cùng người dân, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên tiếp tục tạo điều kiện tối đa và đơn giản hóa thủ tục vay vốn; gắn kết đồng vốn chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, tạo đà cho bà con vùng lũ vươn lên.
Bài, ảnh: Thu Hằng
Nguồn Điện Biên Phủ : http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/ngan-hang-csxh/218861/dong-hanh-cung-nguoi-dan-vuot-qua-kho-khan