Phụ huynh động viên con sau môn thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh minh họa: INT
Để không ai bị bỏ lại phía sau sau mùa thi, đã đến lúc cha mẹ, thầy cô cần nhìn sâu hơn vào những nỗi buồn lặng lẽ, cách người lớn đồng hành ra sao, và làm thế nào để học sinh giữ vững niềm tin vào tương lai.
Đồng hành sau kỳ thi
Sau khi điểm thi được công bố, mạng xã hội thường xuất hiện những dòng trạng thái đầy lo âu, thậm chí tuyệt vọng: “Em đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không đủ giỏi”, “Ba mẹ sẽ thất vọng lắm đây”… Nhiều học sinh chọn cách im lặng, thu mình lại, không dám ra khỏi phòng, không muốn tiếp xúc với ai.
Một số khác rơi vào trạng thái lo âu, mất ngủ, có em bật khóc giữa đêm vì cảm giác “mình là gánh nặng của gia đình”. Đó không còn là những phản ứng “bình thường” sau kỳ thi, mà là dấu hiệu đáng báo động về tổn thương tinh thần.
Có lẽ điều khiến nhiều học sinh đau lòng nhất không phải điểm thấp, mà là cảm giác bị đánh giá, bỏ lại, so sánh. Những câu nói vô tình của người lớn như “Sao lại tệ vậy?”, “Học thế thì làm được gì?”, “Con người ta điểm cao thế kia kìa…” dễ dàng khoét sâu vào tâm lý vốn đang chênh vênh sau kỳ thi. Nhiều chuyên gia tâm lý gọi đó là “khủng hoảng hậu điểm số” - hiện tượng ngày càng phổ biến, nhưng chưa được gia đình và nhà trường thực sự quan tâm đúng mức.
Giáo viên không thể thay đổi điểm số của kỳ thi, nhưng có thể thay đổi cách học sinh nhìn nhận và bước qua nó. Sau khi biết điểm, điều đầu tiên các em cần từ thầy cô không phải câu hỏi “Em được bao nhiêu?”, mà là ánh nhìn không phán xét, câu hỏi đầy lắng nghe: “Em cảm thấy thế nào?”. Có thể học trò chưa sẵn sàng nói ra ngay, nhưng sự hiện diện bình tĩnh và chân thành của thầy cô là lời khẳng định âm thầm rằng: “Thầy/cô vẫn ở đây với em, dù điểm số thế nào”.
Không ít trường học vẫn vô tình tạo thêm áp lực bằng việc dán bảng thành tích, gọi tên tốp học sinh điểm cao, hoặc gửi báo cáo kết quả về cho phụ huynh quá sớm. Trong khi đó, giai đoạn “hậu thi” là lúc các em rất mong manh, dễ tổn thương nếu bị so sánh, dễ tuyệt vọng nếu cảm thấy mình “kém hơn người khác”.
Thầy, cô giáo, hơn ai hết, có thể là chiếc cầu nối để các em nhận ra một kỳ thi không phải cả cuộc đời. Kết quả chưa tốt không có nghĩa thất bại. Hãy kể cho học sinh nghe rằng trên hành trình trưởng thành, có những ngã rẽ thú vị, có thành công không đến từ bảng điểm, mà đến từ nghị lực và sự bền bỉ. Thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm - những người nắm bắt tâm lý của các em khá rõ, nên cần giảng giải thế nào để các em hiểu “khi kỳ thi qua đi, điểm số ở lại… và nỗi buồn cũng thế”.
Hãy dạy các em cách đứng lên chứ không phải chỉ biết bước đi trên những con đường bằng phẳng. Và đôi khi, một cử chỉ nhỏ từ thầy cô cũng đủ để các em có thêm dũng khí để bắt đầu lại một cách bình thản và nhẹ nhàng hơn.
Còn với phụ huynh thì sao? Đôi khi họ không biết rằng, chỉ một cái chau mày, lắc đầu hay câu nói vô tình cũng có thể khiến con trẻ cảm thấy mình thất bại. Trong khi đó, tâm lý ở lứa tuổi mười tám dễ dao động. Các em vừa trải qua kỳ thi căng thẳng, lại mang trên vai áp lực kỳ vọng của cả gia đình, vậy mà kết quả lại không như mong đợi, cảm giác ấy dễ biến thành mặc cảm, xấu hổ, thậm chí tuyệt vọng.
Có học trò từng viết trong nhật ký: “Không phải vì điểm thấp mà con buồn, mà vì ánh mắt của mẹ sau khi nhìn thấy điểm con”.
Vì vậy, cha mẹ không cần phải nói những lời hoa mỹ, cũng không cần ngay lập tức vạch ra kế hoạch “làm lại từ đầu”. Điều các em cần nhất là một khoảng lặng - nơi các em được an toàn, yêu thương, không bị chất vấn hay so sánh. Một cái ôm, câu nói giản dị như “Không sao đâu con, cha mẹ vẫn luôn tin tưởng con” có thể trở thành điểm tựa để con vượt qua biến cố đầu đời, lấy lại dũng khí để tiếp tục đi tiếp trên hành trình riêng mình.
Đặc biệt, phụ huynh cần tránh biến điểm số thành “danh dự gia đình”. Bởi nếu tình yêu thương bị điều kiện hóa bởi thành tích, thì khi con không đạt được kỳ vọng, chính cha mẹ đã vô tình khiến con thấy mình không còn xứng đáng được yêu. Và cha mẹ - người hiểu tính cách con cái mình nhất cần trở thành người bạn đồng hành với con trong giai đoạn khó khăn này.
Phụ huynh cần nhớ rằng, con cái cần cha mẹ làm hậu phương, không phải là giám khảo. Sau tất cả, thứ đọng lại không phải những con điểm - mà là cách người lớn đã yêu con như thế nào khi con đứng trước thất bại.
Ảnh minh họa INT.
Phía trước còn nhiều ước mơ đẹp
Học trò thân mến! Nếu hôm nay các em thấy buồn vì một con số, thì xin cho phép tôi được nói rằng: Các em không phải là bài kiểm tra biết đi. Cuộc đời không chấm các em bằng thang điểm 10, cũng không xếp loại qua một bảng điểm. Các em là những học trò đầy cảm xúc, khả năng vươn xa và điểm thi chỉ là phần rất nhỏ trong hành trình dài rộng ấy.
Hãy nhìn ra ngoài ô cửa kia - nơi có những người làm nghề mộc, cơ khí, nghệ thuật, thể thao, nông nghiệp… vẫn sống tốt và hạnh phúc dù không từng qua giảng đường đại học. Hãy nhìn lại chính mình, khi từng vượt qua bao khó khăn, cố gắng không ngơi nghỉ, thức khuya, động viên bạn bè… liệu điều ấy có thể bị phủ nhận chỉ vì điểm con số?
Các em không ai giống ai, cũng không cùng lúc chạm đích. Có người đi nhanh, người đi chậm, người tìm thấy con đường mình yêu sớm, người phải thử nhiều lần. Nhưng chỉ cần đừng bỏ cuộc, thì không ai bị “trượt” khỏi cuộc đời này. Cũng đừng quên thất bại không có nghĩa “kém cỏi”, mà chỉ là các em đang học bài học quan trọng hơn bất kỳ môn thi nào: Bài học về nghị lực, kiên trì và việc làm lại từ đầu một cách mạnh mẽ hơn.
Trong khoảnh khắc tưởng chừng thất bại ấy, các em thực sự lớn lên. Và đôi khi, chính cách các em đứng dậy sau cú vấp đầu đời sẽ là “điểm số” đẹp nhất, khiến cả cuộc đời sau này phải ngả mũ. Sự trưởng thành của các em cũng thể hiện qua cách ứng xử với gia đình, thầy cô, bạn bè trong giai đoạn nhạy cảm này. Thay vì thu mình lại hay giận dữ với thế giới, hãy chủ động chia sẻ, lắng nghe, xin lời khuyên.
Thế giới ngày mai cần nhiều kiểu người thành công - không chỉ những người thi điểm cao, mà cả người biết yêu thương, sáng tạo, sửa sai và bắt đầu lại. Nếu hôm nay là ngày buồn, thì cũng đừng sợ vì sau ngày buồn, mặt trời vẫn mọc. Hãy cho mình cơ hội được nghỉ ngơi, khóc, yếu lòng một chút. Nhưng rồi hãy đứng dậy nhẹ nhàng và bước tiếp. Bởi ngoài kia, các em còn nhiều điều để mơ ước. Và mỗi ước mơ ấy, dù lớn hay nhỏ đều xứng đáng được bắt đầu từ chính ngày hôm nay.
Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2, Phúc Lộc, Nghệ An)