Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng gửi hoa chúc mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng là một trong những điểm nóng về chất độc dioxin tại Việt Nam, đặc biệt tại sân bay Đà Nẵng - nơi từng lưu trữ lượng dioxin lớn nhất cả nước với hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép tới 365 lần. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 3.300 nạn nhân da cam, trong đó gần 1.000 trẻ em.
Nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, ngày 5/1/2005, UBND thành phố Đà Nẵng đã thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Qua 20 năm phát triển, Hội đã huy động gần 221 tỷ đồng, trong đó có hơn 90,6 tỷ đồng từ các tổ chức quốc tế. Nguồn kinh phí này được sử dụng để hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, xây dựng sinh kế, cấp học bổng, tặng xe lăn, trợ cấp khó khăn và tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện.
Đặc biệt, Hội đã xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng, giáo dục và dạy nghề để hỗ trợ 90-150 trẻ em khuyết tật mỗi năm; triển khai các chương trình ý nghĩa như “Tết vì người nghèo và nạn nhân da cam” và “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, góp phần mang lại niềm vui và hy vọng cho hàng chục nghìn lượt nạn nhân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Thị Anh Thi (giữa) tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh: “Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vượt qua nhiều khó khăn, trở thành một tổ chức nòng cốt trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân da cam. Để Đà Nẵng trở thành đô thị đáng sống hàng đầu khu vực châu Á vào năm 2045, Hội cần đổi mới hoạt động, mở rộng kết nối và nâng cao hiệu quả hỗ trợ”.
Dịp này, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho 10 cá nhân, tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân xuất sắc. UBND thành phố cũng tặng Cờ thi đua cho Hội và Bằng khen cho 20 tập thể, 15 cá nhân có thành tích nổi bật trong phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” giai đoạn 2005-2025.
Hồ Khánh