Đồng Lâm hỗ trợ người dân, giảm thiểu ô nhiễm

Đồng Lâm hỗ trợ người dân, giảm thiểu ô nhiễm
3 ngày trướcBài gốc
Mỏ đá vôi Phong Xuân
Theo Công ty Đồng Lâm, trong năm 2024, doanh nghiệp tiếp tục có những hỗ trợ thêm cho các hộ dân ở lân cận, xung quanh khu mỏ đá vôi thuộc xã Phong Xuân, thị xã Phong Điền với tổng số tiền hơn 3,27 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm hỗ trợ các khu vực đồng ruộng của người dân trước đây nằm xung quanh khu vực mỏ đá vôi trong phạm vi bán kính 200m, tính từ ranh giới khai thác trở ra, có tổng diện tích hỗ trợ tương đương 45ha, với đơn giá hỗ trợ 2 triệu đồng/sào/năm, giá trị hỗ trợ khoảng hơn 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho các hộ dân trong phạm vi 300m lân cận mỏ với 400 nghìn đồng/người/tháng, giá trị hỗ trợ khoảng hơn 780 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa bị xuống cấp, rạn nứt; hỗ trợ các chi phí khắc phục xử lý sụt lún đất, mất nước ở đồng ruộng... do ảnh hưởng trong quá trình vận hành, khai thác mỏ đá vôi.
Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc điều hành mỏ đá vôi Phong Xuân cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng của công tác khai thác mỏ đá vôi được công ty tích cực phối hợp với địa phương, người dân để triển khai. Cụ thể, công ty đã phối hợp cùng với UBND xã Phong Xuân và người dân địa phương thành lập 3 tổ giám sát gồm: Tổ giám sát khói bụi trong quá trình khoan nổ mìn, Tổ vệ nông và Tổ giám sát rạn nứt nhà dân.
Tổ giám sát khói bụi trong quá trình khoan nổ mìn đi vào làm việc từ tháng 7/2020 cho đến nay, gồm 1 cán bộ xã, 1 người dân và 1 CBCNV-LĐ của Nhà máy xi măng Đồng Lâm. Tổ này có nhiệm vụ thực hiện công tác giám sát quá trình khoan nổ mìn và lập biên bản ghi nhận hiện trường công tác nổ mìn tại mỏ đá mỗi lần nổ mìn, để xem xét, đánh giá khói bụi có bay vào khu vực dân cư hay không. Chi phí hoạt động của tổ do Công ty Đồng Lâm chi trả theo mức 5 triệu đồng/tháng.
Tổ vệ nông, được thành lập từ 5/2020, gồm cán bộ xã, người dân các thôn Xuân Lộc, Cổ Xuân. Tổ có nhiệm vụ lấy nước vào đồng ruộng cho các hộ dân trong suốt quá trình canh tác đồng ruộng hàng năm, đảm bảo đồng ruộng luôn có đủ nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu. Chi phí của tổ do Công ty Đồng Lâm chi trả hàng năm là 138 triệu đồng/năm.
Tổ giám sát rạn nứt nhà dân, được thành lập từ tháng 9/2023 và duy trì hoạt động từ đó đến nay. Tổ gồm 1 cán bộ xã Phong Xuân, 1 hộ dân và 1 CBCNV-LĐ của nhà máy, thực hiện khảo sát, ghi nhận hiện trạng tình trạng rạn nứt, hư hỏng của các hộ dân nằm trong vùng bán kính 500m. Trên cơ sở các rạn nứt phát sinh, tổ giám sát lập biên bản để báo cáo cấp trên, cũng như đề xuất phương án hỗ trợ xử lý cho các hộ dân một cách kịp thời.
Ông Nguyễn Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đồng Lâm đánh giá, thời gian qua, công ty đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Định kỳ 3 tháng/lần hợp đồng với Trung tâm Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông Nghiệp và Môi trường) thực hiện đo giám sát định kỳ khói bụi, tiếng ồn, lấy mẫu nước thải mỏ, nước thải sinh hoạt tại các dự án mỏ, khu vực băng tải, trạm đập và trong nhà máy. Kết quả phân tích của cơ quan chức năng đều đảm bảo các quy định về môi trường.
“Công ty cũng tích cực phối hợp chính quyền địa phương giải quyết các kiến nghị của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, trong đó ưu tiên lợi ích của người dân”, ông Nguyễn Phước Hiền Hòa khẳng định.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các ảnh hưởng đến đời sống của người dân, công ty sử dụng các máy khoan thủy lực, khoan đá có hệ thống hút bụi tốt để hạn chế phát tán khói bụi khoan trong quá trình khoan lỗ mìn. Ngoài ra, công ty chủ động dừng khoan lỗ mìn tại các thời điểm thời tiết có gió lớn thổi về phía dân cư.
Công ty luôn sử dụng các phương pháp nổ mìn tiên tiến nhất hiện nay là “nổ mìn vi sai phi điện” nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng rung chấn, khói bụi; đồng thời, chủ động giảm lượng thuốc nổ mìn cho mỗi bãi tại các tầng. Cụ thể như tầng trên cùng chỉ nổ tối đa 1,5 tấn bãi nổ, các tầng thứ 2 nổ tối đa 2 tấn/bãi nổ, tầng dưới cùng nổ khoảng 2,5 tấn/bãi nổ, trong khi giấy phép nổ mìn cho phép nổ tối đa 3 tấn/bãi nổ trên tất cả các tầng.
Chung tay vì cộng đồng
Theo Công ty Đồng Lâm, năm 2024 đơn vị này đã hỗ trợ hơn 150 tấn xi măng (tương đương hơn 226 triệu đồng) cho các xã Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ (Phong Điền) để xây dựng các công trình nông thôn mới, sửa chữa nhà văn hóa; hỗ trợ 45 tấn xi măng cho Trường tiểu học Phong Xuân xây dựng nâng cấp trường học. Về chi phí hỗ trợ dân cư, từ đầu năm 2025 đến nay, Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ khoảng 1,42 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/ban-doc/ban-doc-viet/dong-lam-ho-tro-nguoi-dan-giam-thieu-o-nhiem-152048.html