Sau khi Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) số 48/2024/QH15 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, hai ngành hàng nông sản chiến lược của Việt Nam là lúa gạo và cà phê đã đồng loạt có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đều cho rằng việc áp thuế VAT 5% lên gạo và cà phê nhân từ ngày 1-7-2025 gây áp lực vốn, tăng rủi ro và gánh nặng thủ tục, các doanh nghiệp lo ngại sức cạnh tranh của nông sản Việt bị ảnh hưởng.
Gánh nặng vốn, rủi ro chờ hoàn thuế
Điểm nghẽn lớn nhất mà các doanh nghiệp chỉ ra là áp lực tài chính. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân tích, doanh nghiệp phải nộp thuế VAT 5% ở khâu thương mại nhưng các tổ chức tín dụng lại không giải ngân cho phần thuế này khi cấp vốn lưu động. Điều này trực tiếp làm tăng chi phí sản xuất và giảm hiệu quả kinh doanh.
Với ngành cà phê, khi giá nhân đã cao hơn 100.000 đồng/kg, việc phải "gánh" thêm 5% thuế VAT khiến áp lực vốn càng thêm chồng chất. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi doanh nghiệp xuất khẩu phải đóng thuế trước và chờ hoàn lại sau.
Theo VFA, việc áp dụng mức thuế VAT 5% sẽ tạo ra một số khó khăn như làm gia tăng nguồn vốn và chi phí sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ảnh: QH
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thủ tục hoàn thuế hiện rất lâu và phức tạp. Đáng lo ngại hơn, điều kiện để được hoàn thuế là người bán phải hoàn thành kê khai và nộp thuế VAT vào ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, quy định này đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào rủi ro cao, có thể phải chờ đợi rất lâu để được hoàn thuế dù đã hoàn thành nghĩa vụ trả thuế cho người bán. Do đó, đề xuất bỏ thuế VAT 5% được xem là giải pháp cấp thiết để giải tỏa áp lực này.
Hiệu quả ngân sách thấp, kiến nghị bỏ thuế VAT
Một nghịch lý được ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA chỉ ra là trên 85% tổng sản lượng cà phê nhân của Việt Nam dùng để xuất khẩu. Vì vậy, gần như toàn bộ số thuế VAT thu được rồi cũng sẽ được hoàn lại, khiến đóng góp thực tế cho ngân sách nhà nước là không nhiều. Trong khi đó, việc thu rồi lại hoàn thuế làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp và cả nhân sự của cơ quan thuế.
Đáng chú ý, đây không phải là vấn đề mới. Ông Hải nhắc lại, trước năm 2013, cà phê nhân đã từng chịu thuế VAT 5% và tạo ra nhiều kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gian lận, gây thiệt hại cho ngân sách và khó khăn cho doanh nghiệp chân chính. Chính vì những bất cập này mà Chính phủ đã đồng ý đưa mặt hàng này vào diện không chịu thuế VAT từ năm 2013.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp hai ngành hàng xuất khẩu tỉ USD, cả hai hiệp hội gạo và cà phê đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bỏ thuế VAT 5%. Ảnh: QH
Các hiệp hội lo ngại lịch sử sẽ lặp lại. Cả 2 hiệp hội VFA và VICOFA đều cảnh báo về nguy cơ các đối tượng xấu có thể lợi dụng kẽ hở chính sách để chiếm dụng thuế, gây thất thoát ngân sách và làm ách tắc quá trình hoàn thuế của doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự thiếu nhất quán trong chính Nghị định 181 (khi Điều 4 nói cà phê nhân không chịu thuế, nhưng Điều 19 lại nói chịu thuế VAT 5%) càng gây phân vân cho doanh nghiệp.
Trước những thách thức trên, để gỡ khó cho doanh nghiệp và đảm bảo sự phát triển ổn định cho các ngành hàng nông sản chủ lực, cả hai hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa mặt hàng gạo và cà phê nhân sống vào danh mục đối tượng không chịu thuế VAT.
QUANG HUY