Năm 2014, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị với các tổ chức tôn giáo có sự tham dự của 120 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, lãnh đạo Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao Đài có uy tín. Các bên thống nhất ký kết đồng hành thực hiện tốt trật tự ATGT.
Công an tỉnh Lâm Đồng ký kết phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các tổ chức tôn giáo.
Từ khi thỏa thuận được ký kết, Hội thánh Cơ Đốc Phục Lâm R'Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đã đều đặn duy trì, dành khoảng 15 phút trong các buổi lễ vào thứ 7 hằng tuần tại nhà thờ để tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở tín đồ chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Linh mục Trần Thả, quản hạt, quản xứ Di Linh suốt hơn 10 năm qua đã kiên trì vận động, thuyết phục giáo dân đồng lòng đảm bảo trật tự ATGT, xem đó là một trong những nhiệm vụ không thể tách rời với hoạt động tôn giáo. Các khu dân cư có đông đồng bào tôn giáo sinh sống của huyện Di Linh, các chức sắc liên tục vận động tín đồ và nhân dân chấp hành pháp luật, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Khi tổ chức các hoạt động tôn giáo đông người với nhiều phương tiện, các cơ sở tôn giáo đều có bộ phận an ninh trật tự, phân công chức sắc, tín đồ làm công tác hướng dẫn, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình "Các tôn giáo đồng hành thực hiện an toàn giao thông". Từ khi ký kết giao ước, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chủ động xây dựng và nhân rộng các mô hình về đảm bảo ATGT, như "Đoạn đường tự quản an toàn giao thông", "Khu dân cư an toàn giao thông"... gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", sống "Tốt đời - đẹp đạo"... ngay trong cơ sở tôn giáo, cộng đồng của tôn giáo mình.
Giáo xứ Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng đã vận động giáo dân đóng góp tiền, vật tư, công lao động để lắp đặt hơn 500 tấm đan hai bên mương nước với đoạn đường dài trên 10km, lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa, phát quang nơi che khuất tầm nhìn trên cả tuyến đường, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp, ATGT cho người dân đi lại với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng... Những năm qua, tại tổ dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, với trên 98% dân cư là giáo dân Công giáo, các linh mục quản xứ đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động giáo dân hiến trên 18.000m2 đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông. Đều đặn hàng tuần, bà con giáo dân còn tham gia dọn dẹp vệ sinh đường phố, quản lý, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần không để xảy ra TNGT trên địa bàn trong nhiều năm qua.
Tại TP Bảo Lộc, các chức sắc tôn giáo đã vận động xây dựng nhiều mô hình tuyến đường đảm bảo ATGT và trật tự xã hội. Xây dựng và hoạt động có hiệu quả mô hình An toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình tại Giáo họ Mỹ Thanh. Tuyến đường đảm bảo ATGT và không có tệ nạn xã hội với 60 thành viên tham gia hoạt động thường xuyên tại Giáo họ Đức Bà...
Từ năm 2017 đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Lạt cũng đã duy trì việc 2 năm/lần tổ chức đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông vào Tháng An toàn giao thông và Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT hằng năm. Đây là hoạt động mang giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần xoa dịu nỗi đau do tai nạn giao thông, đồng thời mang lại hiệu quả tuyên truyền rất lớn.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2014 đến 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 3.053 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.796 người và bị thương 2.075 người. Trung bình mỗi năm tỉnh Lâm Đồng xảy ra 275 vụ, 163 người chết và 188 người bị thương...
Khắc Lịch