Đồng lòng, đồng sức bước vào kỷ nguyên mới

Đồng lòng, đồng sức bước vào kỷ nguyên mới
3 ngày trướcBài gốc
Đại biểu “nhớ một chữ đồng”
Trong bài “Nên học”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết “Dân ta nhớ một chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. 4 chữ đồng thể hiện rõ nét tư tưởng của Người về xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, tập hợp và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện chân lý: Đoàn kết là sức mạnh. Trong nhiệm kỳ qua, nhờ đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh mà hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng cử tri và Nhân dân.
Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh trao đổi bên lề kỳ họp thường lệ cuối năm 2024. Ảnh: Bình Nguyên
Ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, trả lời phỏng vấn báo chí, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: là đại biểu của Nhân dân thì phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cử tri và Nhân dân tin tưởng, giao phó.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chính Minh, tâm huyết “hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” của người đại biểu dân cử đặc biệt, giản dị cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiệm kỳ qua, mỗi đại biểu dân cử ở các cấp chính quyền địa phương đã bám sát chương trình hành động của mình, thực hiện lời hứa với cử tri bằng những việc làm cụ thể. Nhiều quyết sách quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội là những con số biết nói.
“Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội, tính mạng của Nhân dân, nhiều quyết sách từ Quốc hội và trực tiếp là của HĐND tỉnh đã kịp thời chung sức, đồng lòng và nhận được sự đồng tình của các tầng lớp Nhân dân trong thực thi và đã tạo thành sức mạnh đồng minh to lớn, giúp chúng ta vượt qua đại dịch với ảnh hưởng ít nhất, duy trì tăng trưởng kinh tế dương. Đến thời điểm hiện nay, qua báo cáo của đại biểu HĐND tỉnh tại cuộc TXCT với chúng tôi trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 cũng như qua theo dõi trực tiếp diễn biến kỳ họp trên truyền hình có thể tự tin khẳng định, Hà Tĩnh sẵn sàng vươn mình cùng dân tộc. Cử tri luôn đồng hành cùng đại biểu, hiến kế nhiều giải pháp góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương”, cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh phấn khởi chia sẻ.
Ngoài tháo gỡ nút thắt trên các lĩnh vực an sinh xã hội, có lẽ các quyết sách trong quy hoạch, đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng ở cấp cơ sở luôn là lĩnh vực được HĐND các cấp quan tâm. Nhờ những nghị quyết kịp thời, hợp lòng dân đã tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, tạo đà cho kinh tế phát triển, bảo đảm an ninh trật tự. Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Chỉnh trang trục đường Thùy Vân, thành phố Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng là một quyết sách như vậy. Chủ trương hết sức đúng đắn, đi vào lòng dân, từng bước gỡ “nút thắt” nhằm “phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị, tác động tích cực các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo phản ánh của cử tri nơi đây, đây là quyết sách đúng đắn của lãnh đạo địa phương bởi vì bấy lâu nay các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực này đã làm hạn chế tầm nhìn, đường xuống biển của người dân và du khách. Mặc dù người dân địa phương đã quen với việc đó nhưng để Vũng Tàu giữ chân được du khách thì việc làm mới Bãi Sau là cần thiết. Bãi biển đẹp mà không được đầu tư bài bản sẽ mất đi giá trị vốn có của nó. Đây cũng là minh chứng cho sự chung sức đồng lòng giữa cơ quan dân cử với cử tri từ việc xây dựng và thực hiện chính sách.
Hãy là đại biểu số
Công tác chuyển đổi số được Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tổng thể, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực. Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025. Nằm trong hệ thống chính trị, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh không đứng ngoài cuộc trong thực hiện Đề án chuyển đổi số.
Mùa xuân mới đang về, dân tộc đang náo nức hướng đến kỷ niệm 95 năm mùa xuân có Đảng. Đó là nền tảng để ta xây tương lai. Nhà thơ Thanh Hải đã từng viết: “một mùa xuân nho nhỏ. Lặng lẽ dâng cho đời. Dù là tuổi hai mươi. Dù là khi tóc bạc”. Chợt nghĩ là người cán bộ, người đại biểu của dân ngoài biết liêm sỉ, khiêm tốn, làm chủ kiến thức, kỹ năng, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, điều cốt lõi nhất là mãi nhớ một chữ đồng, đồng thuận trong anh em, đồng chí, đồng lòng với cử tri và Nhân dân. Chỉ khi “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” thì mới biến sức mạnh đoàn kết của Nhân dân, tâm huyết của người đại biểu trở thành sức mạnh vĩ đại cùng cả dân tộc vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
Theo đó, mỗi đại biểu trở thành những thành viên tích cực trong ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin (CNTT) vào chính hoạt động của cơ quan dân cử, như khai thác tài liệu trên nền tảng số, tham mưu và tham gia các kỳ họp, phiên họp HĐND trực tuyến, ứng dụng CNTT trong xây dựng các bài viết, bài tuyên truyền nghị quyết HĐND, vận dụng thành lập các kênh, trang mạng xã hội để liên hệ với cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, trong hoạt động giám sát, bám sát quy định Điều 29, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, HĐND tỉnh và các huyện, thành thị đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tiến tới số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND để triển khai đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương nhằm bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan liên quan.
Để triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong cộng đồng, trong cử tri và các tầng lớp Nhân dân, tại Kỳ họp thứ 17 ngày 8.12.2023, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thông qua Nghị quyết số 119/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025. Đây là quyết sách quan trọng, kịp thời góp phần hoàn thành các mục tiêu Đề án chuyển đổi số đề ra. “Thực hiện thành công việc xã hội số sẽ là điều thuận lợi lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà đối với cơ quan dân cử cũng là điều thuận lợi, cử tri và Nhân dân sẽ có nhiều kênh thông tin giám sát hoạt động của cơ quan dân cử cũng như giữ mối liên hệ mật thiết với đại biểu mà mình bầu ra”, bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh khẳng định.
“Nếu đại biểu HĐND không chịu khó học hỏi, ứng dụng CNTT vào chính hoạt động của mình thì chắc chắn sẽ lạc hậu bởi cử tri hiện nay đã, đang và sẽ là cử tri số trong tương lai. Nhiệm kỳ sau, việc bầu cử đại biểu dân cử cũng như hoạt động của cơ quan dân cử sẽ phải tính đến việc tổ chức các hoạt động của HĐND quyết định và giám sát trên nền tảng số. Do đó, ngay từ bây giờ muốn khẳng định vị thế và phát huy vai trò, hoàn thành lời hứa với dân, bắt buộc đại biểu phải làm chủ được công nghệ thông tin. Sẽ khó vươn mình nếu đại biểu còn lạc hậu và chưa làm chủ được công nghệ", đại biểu H’Bic Buôn Jă, HĐND xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk bày tỏ.
Lê Hồng Hạnh, Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/dong-long-dong-suc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post400628.html