PV: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cùng với cả nước, hôm nay tỉnh Quảng Ngãi (mới) chính thức đi vào hoạt động; đồng thời vận hành mô hình chính quyền 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã). Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự phối hợp giữa 2 Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Kon Tum (cũ) và các cấp ủy trên địa bàn 2 tỉnh cho thời khắc lịch sử này?
Đồng chí BÙI THỊ QUỲNH VÂN: Ngày 12/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây được xem là cuộc cách mạng lớn nhất về sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị và đơn vị hành chính kể từ khi thành lập nước đến nay. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất với tỉnh Kon Tum thành tỉnh Quảng Ngãi, với diện tích gần 15 nghìn km² (đứng thứ 5 cả nước). Trước đó, ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW năm 2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với 12 nội dung quan trọng; kèm theo nghị quyết là danh sách tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân kiểm tra công tác vận hành thử nghiệm tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bình Sơn. Ảnh: THANH THUẬN
Việc hợp nhất 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum trở thành tỉnh Quảng Ngãi là chủ trương đúng đắn của Trung ương, Quốc hội, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong đổi mới sáng tạo và tạo ra những bước phát triển mới, đột phá mới để đưa đất nước phát triển vào kỷ nguyên mới. Tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao chủ trì để thực hiện việc hợp nhất hai tỉnh. Để đảm bảo theo yêu cầu, nhiệm vụ của trung ương giao, công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện nhiệm vụ được Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy của hai tỉnh tích cực phối hợp, đặc biệt là xây dựng các kế hoạch phối hợp công tác chung... Trong đó, vừa phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kết thúc hoạt động của cấp huyện và sắp xếp, sáp nhập các xã, phường; đồng thời đưa tỉnh mới đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành các nội dung theo yêu cầu nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc xây dựng các Đề án để triển khai thực hiện và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh nhận xét, đánh giá chung, đây là sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm với tinh thần rất đoàn kết, chia sẻ, đồng thuận của cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum vì mục tiêu chung, vì một Quảng Ngãi mới phát triển và có nhiều điều tốt đẹp hơn, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao hơn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh kiểm tra vận hành thử nghiệm tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ba Vì. Ảnh: THANH NHỊ
Mặc dù thời gian vận hành cấp tỉnh sớm hơn so với các kết luận trước của Bộ Chính trị và yêu cầu hoạt động đồng bộ với cấp xã từ ngày 1/7, song tôi cho rằng đây là một quyết định chỉ đạo rất sáng suốt, để hoạt động của cấp xã và hoạt động của cấp tỉnh đồng bộ, không bị gián đoạn. Chúng tôi rất trân trọng, cảm ơn việc chia sẻ, ủng hộ và đồng thuận thống nhất cao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đối với tỉnh Quảng Ngãi trong việc cùng thống nhất xây dựng định hướng cho tỉnh Quảng Ngãi mới phát triển. Hai tỉnh cũng thống nhất cao với các phương án về công tác cán bộ cũng như thống nhất về cách thức vận hành và đi vào hoạt động của cấp tỉnh. Trong giai đoạn mới hợp nhất, 2 tỉnh đã thống nhất sẽ có một bộ phận văn phòng ở tỉnh Kon Tum cũ để mọi hoạt động vẫn thông suốt, không bỏ trống địa bàn và vẫn sát dân.
PV: Theo chỉ đạo của trung ương thì sau sáp nhập, công việc phải tốt hơn, hiệu quả hơn. Trước yêu cầu này, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chỉ đạo cụ thể như thế nào đối với việc đưa tỉnh Quảng Ngãi (mới) đi vào hoạt động và vận hành thông suốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thưa đồng chí?
Đồng chí BÙI THỊ QUỲNH VÂN: Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện được trung ương và các cấp trong tỉnh khẳng định là “ý Đảng, lòng dân”. Dù đây là “quyết sách chiến lược chưa từng có” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời chưa được vận hành trong thực tế, nhưng thông qua hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nắm bắt khá rõ những tác động tích cực từ chủ trương mang tính lịch sử này. Minh chứng là tỷ lệ người dân trong tỉnh đồng thuận trên 99%, gần như là tuyệt đối khi tổ chức lấy ý kiến của người dân về thành lập xã mới, thành lập tỉnh mới.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn trao quyết định bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các xã, phường và đặc khu. Ảnh: BÁ SƠN
Thực tế, việc sắp xếp các đơn vị hành chính không phải là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi. Trước đây, theo chỉ đạo của trung ương, Quảng Ngãi đã tiến hành sáp nhập xã, sáp nhập huyện, sáp nhập các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và đã có những kinh nghiệm bước đầu. Tuy nhiên, lần này với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm thì đây thực sự là một cuộc cách mạng vì vừa tinh giản tổ chức bộ máy nhưng tạo ra một hệ thống mà như đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh “Chúng ta sắp xếp lại giang sơn” để tạo một không gian phát triển mới, đảm bảo các điều kiện mới để bước vào kỷ nguyên mới.
Kết thúc hoạt động cấp huyện và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thống nhất trong cả nước là một sự kiện lớn, mang ý nghĩa lịch sử của Việt Nam, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Qua đó, thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước trên các lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu của cuộc cách mạng sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp không ngoài gì khác xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời mở ra một cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là trong 100 năm tới. Với Quảng Ngãi, quy mô cấp tỉnh lớn hơn, cấp xã lớn hơn sẽ tạo dư địa lớn cho phát triển kinh tế cũng như đầu tư, liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các địa phương.
Tuy nhiên, có hai nhiệm vụ song song cần phải thực hiện. Thứ nhất, chúng ta phải kết thúc hoạt động của cấp huyện và thành lập các xã mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu mục tiêu đầu tiên khi xã mới đi vào hoạt động là tính hiệu quả và kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với không gian phát triển mới của xã. Thứ hai, chúng ta kế thừa những nhiệm vụ cũ và giải quyết việc mới cho không gian phát triển mới của xã. Dù ngày 1/7, chính quyền địa phương 2 cấp mới chính thức đi vào hoạt động nhưng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động tiếp nhận, bàn giao công việc, vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền mới từ ngày 25 - 30/6. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng dẫn đầy đủ các nội dung tổ chức từ hội nghị đảng ủy đầu tiên, từ phiên họp hội đồng nhân dân đầu tiên...
Chắc chắn với mô hình mới, cách thức hoạt động mới sẽ có những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhưng với tâm thế sẵn sàng làm việc của cán bộ, sự đồng thuận của người dân là điều kiện then chốt để bộ máy vận hành ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hướng đến nền hành chính gần dân, sát dân.
PV: Sau vận hành chính quyền địa phương 2 cấp thì dự kiến trước ngày 31/7/2025, cấp xã sẽ hoàn thành tổ chức đại hội đảng, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới). Đồng chí có chỉ đạo như thế nào để chuẩn bị tốt nhất nhiệm vụ chính trị quan trọng này?
Đồng chí BÙI THỊ QUỲNH VÂN: Theo chỉ đạo của trung ương, ngay sau vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các địa phương phải khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho đảng ủy cấp xã phải chịu trách nhiệm tổ chức hoàn thành đại hội đảng bộ trước ngày 31/7. Đồng thời, phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các địa bàn, phân công các đồng chí tỉnh ủy viên phụ trách đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu các địa phương phân công lãnh đạo, ủy viên Ban Thường vụ phụ trách đảng ủy các xã chủ trì xây dựng báo cáo chính trị, văn kiện đại hội và chỉ đạo, định hướng cho không gian mới phát triển của các xã. Trong đó, văn kiện đại hội đảng bộ cấp xã được yêu cầu xây dựng gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị; dự báo tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng, phương hướng hành động, trọng tâm phát triển gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của các đơn vị hành chính mới cho 5 năm và 10 năm đến. Đối với cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh thống nhất tổ chức Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2025 -2030 vào cuối tháng 9/2025.
Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cẩm Thành tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THANH THUẬN
Để triển khai và thực hiện tốt Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, sau khi có chỉ đạo của trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các tổ công tác để thực hiện việc phối hợp và xây dựng báo cáo chính trị giữa hai tỉnh, đặc biệt là quán triệt ý kiến chỉ đạo của trung ương, Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong việc xây dựng văn kiện lần này, chúng tôi quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng như ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng để đưa vào những định hướng lớn, những mục tiêu đặt ra cho Quảng Ngãi trong giai đoạn mới. Từ đó, xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ đột phá để phát huy lợi thế của Quảng Ngãi hiện nay, với những nền tảng cho phát triển công nghiệp, có lợi thế để phát triển du lịch và kinh tế biển trong giai đoạn đến, đồng thời phát triển nông nghiệp chất lượng cao, về du lịch sinh thái... Một trong những nội dung có ý nghĩa quan trong của đại hội là chương trình hành động. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động chỉ đạo xây dựng chương trình hành động. Nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận trong đại hội, trong các phiên thảo luận của đại hội và sau đại hội sẽ ban hành ngay chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện.
Có thể khẳng định, với sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sẽ hoàn thành trong tháng 9/2025. Chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng rằng một thời kỳ phát triển mới, một giai đoạn mới của một Quảng Ngãi mới sẽ có những thành công mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
THANH THUẬN (thực hiện)