Động lực cho lợi nhuận ngân hàng quý IV

Động lực cho lợi nhuận ngân hàng quý IV
5 giờ trướcBài gốc
Nguồn thu của các nhà băng chủ yếu đến từ hoạt động cho vay
Thu nhập phi tín dụng sụt giảm
Báo cáo tài chính quý III/2024 của ACB cho thấy, tín dụng tính đến cuối tháng 9/2024 tăng trưởng 13,8% so với đầu năm. Động lực tăng trưởng chủ yếu của mảng tín dụng tại ACB đến từ cho vay khách hàng doanh nghiệp, với mức tăng trưởng 15% (đặc biệt khách hàng doanh nghiệp lớn tăng trưởng 51% so với đầu năm, chiếm 8% danh mục cho vay). Tín dụng chỉ tăng thêm 1% trong quý III do Ngân hàng chủ động tăng trưởng chậm lại để tái cơ cấu danh mục; đồng thời, tập trung vào xử lý nợ xấu.
Thu nhập lãi thuần quý vừa qua của ACB đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm nhẹ 3% so với quý trước, do tăng trưởng tín dụng chậm lại và Ngân hàng vẫn tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Thu nhập ngoài lãi giảm mạnh 43% so với cùng kỳ năm ngoái do thiếu vắng những khoản thu nhập đột biến từ việc tận dụng cơ hội trên thị trường trái phiếu như năm trước và thu nhập từ hoàn nhập nợ xấu đã xử lý giảm (do tốc độ xử lý tài sản chậm hơn). Dù vậy, các mảng thu nhập phí cốt lõi từ dịch vụ thanh toán, thẻ… vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Được biết, hạn mức tín dụng mới được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm cho ACB là 18,4%. Dự kiến, Ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu này và đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận của ACB vào cuối năm.
MBB đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 20.700 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng tín dụng 13,5% trong 9 tháng đầu năm, cao gấp 1,8 lần bình quân ngành, được nhận định đã đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của MBB. Trong khi đó, hai mảng kinh doanh khác có lãi thuần giảm là mua bán chứng khoán đầu tư (giảm gần 8%) và góp vốn mua cổ phần (giảm hơn 38%).
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng của BIDV đạt 22.047 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động tín dụng BIDV ghi nhận mức tăng khá so với bình quân ngành ngân hàng, với dư nợ đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm. Các nguồn thu nhập phi tín dụng của nhà băng này sụt giảm trong 9 tháng, như lãi từ dịch vụ giảm 16%; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 56%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh báo lỗ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. Riêng quý III, lãi trước thuế của VCB đạt hơn 10.699 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu chính của Ngân hàng trong quý III/2024 là lãi thuần, với gần 13.578 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, các nguồn thu ngoài lãi khác sụt giảm, như lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 15% so với cùng kỳ, xuống còn 1.347 tỷ đồng; lãi từ chứng khoán kinh doanh giảm 13%, còn 36 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ.
Tín dụng “gánh team”
Tại báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng mới đây, FiinGroup tin rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ là 14% có khả năng đạt được, mặc dù còn hoài nghi về chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Với dự đoán trước đó của FiinGroup, cho vay bán lẻ sẽ không phục hồi cho đến nửa cuối năm 2024 và điều này đã được xác nhận; cho vay doanh nghiệp là động lực chính cho đà tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay. Hầu hết các chính sách được thực hiện từ nửa cuối năm 2023 đến nay như giảm lãi suất và can thiệp USD chậm lan tỏa, trong khi việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% không có nhiều tác động để kích thích chi tiêu và nhu cầu tiêu dùng, vốn nhạy cảm hơn với sự biến động giá cả và suy thoái kinh tế.
Nửa cuối năm 2024, dự báo cho vay bán lẻ sẽ phục hồi phần nào nếu lạm phát giữ dưới 4,9%. Cho vay doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất, bất động sản và xây dựng, được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong phần còn lại của năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần có danh mục doanh nghiệp mạnh và các ngân hàng có cơ sở khách hàng bán lẻ bền vững được kỳ vọng sẽ là những người hưởng lợi chính từ những phát triển này.
“Các lĩnh vực chính như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực công nghiệp được kỳ vọng sẽ là động lực cho đà tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm, khi các ngân hàng có thể nới lỏng yêu cầu giải ngân để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng”, chuyên gia của Fiin Group nhận định.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, về tổng thể, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2023, nhưng tăng trưởng từng ngân hàng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào năng lực tài chính, chất lượng tài sản, nguồn thu từ dịch vụ…, đặc biệt là hạn mức tăng trưởng tín dụng được phê duyệt.
Mục tiêu của ngành ngân hàng, theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, là phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16 - 17% vào cuối năm 2025. Thực tế, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng qua các năm, đến cuối năm 2023 ước đạt 13,66%. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới là khá khó khăn, xuất phát từ một số nguyên nhân:
Thứ nhất, việc áp dụng chính sách giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán tiếp tục làm giảm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Thứ hai, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, thoát khỏi độc canh tín dụng là một quá trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan trong hoạt động của ngân hàng thương mại (nhu cầu, thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng và nền kinh tế cũng như năng lực của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là năng lực đầu tư hạ tầng công nghệ và khả năng phát triển dịch vụ ngân hàng).
Trong bối cảnh đó, tín dụng là mảng quyết định đà tăng trưởng của các nhà băng. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của VietinBank được các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt điều chỉnh giảm 5% so với dự phóng trước đó, từ mức 29.500 tỷ đồng ban đầu (tương ứng mức tăng 18% so với năm 2023) xuống còn 27.900 tỷ đồng (tương ứng mức tăng 12% so với năm trước). Lý do là tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này dự phóng đạt 13,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức 14,4% dự phóng trước kia. Tăng trưởng tín dụng của BIDV, theo lãnh đạo Ngân hàng, đã giảm nhẹ vào đầu tháng 10. Bên cạnh đó, NIM của Ngân hàng cũng giảm 7 điểm cơ bản, xuống 2,92%.
Hồng Dung
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-luc-cho-loi-nhuan-ngan-hang-quy-iv-post357257.html