Động lực để giảng viên, nhà khoa học nỗ lực trong trong khoa học và đào tạo

Động lực để giảng viên, nhà khoa học nỗ lực trong trong khoa học và đào tạo
6 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh hội thảo.
Hội thảo do Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức - ngày 20/12. Hội thảo tập trung vào các chủ đề liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành trong công nghệ sinh học ứng dụng. Qua đó, nhằm nâng cao uy tín của trường trong đào tạo, nghiên cứu và đóng góp học thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm.
Phát biểu khai mạc, TS Dương Thăng Long - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam đầu tư phát triển công nghệ sinh học là mục tiêu chiến lược quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Công nghệ sinh học không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn, mà còn mang lại giá trị nhân văn sâu sắc đối với bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển nền kinh tế bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng, văn hóa và xã hội toàn cầu.
TS Dương Thăng Long - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 là, xây dựng nền công nghệ sinh học vững mạnh, với đội ngũ nhân lực chất lượng cao và phát triển công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng. Đây là chiến lược giúp đất nước đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội và bảo đảm sự phát triển bền vững.
Trường ĐH Mở Hà Nội xác định, nhà trường chú trọng phát triển khoa học công nghệ theo định hướng ứng dụng, nâng cao năng lực đội ngũ thông qua các nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo chuyên ngành, hội thảo khoa học quốc tế; đồng thời nâng cao uy tín của nhà trường qua việc công bố kết quả khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.
Trường ĐH Mở Hà Nội định hướng cho Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm thông qua đầu tư chuyên sâu phòng thí nghiệm công nghệ cao, TS Lưu Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhìn nhận.
Theo đó, nhà trường thành lập nhóm nghiên cứu trọng điểm, phát triển đội ngũ có năng lực làm nghiên cứu khoa học. Qua đó, thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khoa học có khả năng chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn.
TS Lưu Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại hội thảo.
TS Lưu Quang Minh bày tỏ, Hội thảo quốc tế Công nghệ sinh học và ứng dụng là cơ hội quý để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận và chia sẻ các kết quả nghiên cứu; đồng thời đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học vào các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Hội thảo được thiết kế thành hai phiên làm việc. Phiên thứ nhất là các kết quả nghiên cứu, định hướng về Công nghệ sinh học cơ bản trong di truyền truyền phân tử, tế bào và hóa sinh. Tại đây, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu nổi bật của các nhà khoa học.
Ở Phiên thứ hai, nội dung tập trung vào việc phân tích các kết quả ứng dụng nghệ sinh học trong trong dược phẩm, y học, công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp.
Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.
TS Dương Thăng Long bày tỏ, Trường ĐH Mở Hà Nội mong muốn, kết quả hội thảo sẽ giúp nhà trường xác định các vấn đề quan trọng, định hướng đúng đắn cho sự phát triển của công nghệ sinh học của nhà trường; từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, tạo động lực để các giảng viên và nhà khoa học nỗ lực hơn nữa trong trong khoa học và đào tạo.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dong-luc-de-giang-vien-nha-khoa-hoc-no-luc-trong-trong-khoa-hoc-va-dao-tao-post712960.html