Tiền dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng của người dân.
Huyện Tuần Giáo hiện có hơn 45.400ha đất có rừng, trong đó hơn nửa diện tích đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Giai đoạn 2019 - 2023, có khoảng 1.000 lượt chủ rừng là cá nhân và cộng đồng ở huyện Tuần Giáo đã được chi trả gần 92,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng; được cấp phát 672 sổ tay chi trả dịch vụ môi trường rừng, 157 sổ tay tuần tra bảo vệ diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Năm 2024, toàn huyện được chi trả hơn 19,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, các thôn, bản đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng để đầu tư công trình phúc lợi xã hội, phục vụ lợi ích chung của thôn, bản như: Làm mới và tu sửa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trụ sở thôn, điểm trường... Các hộ gia đình sử dụng nguồn kinh phí này quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, mua phân bón, cây, con giống, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, một phần sử dụng chi tiêu nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.
Người dân bản Lập, thị trấn Tuần Giáo chăm sóc diện tích rừng được giao quản lý.
Anh Lò Văn Tý, tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng bản Lập, thị trấn Tuần Giáo chia sẻ: Cộng đồng bản nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với diện tích gần 830ha. Nhiều năm qua, diện tích rừng do người dân bản Lập quản lý chưa xảy ra cháy rừng và không có tình trạng khai thác rừng trái pháp luật. Nhờ bảo vệ rừng tốt người dân được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Khoảng 3 năm gần đây, mỗi năm cộng đồng bản được chi trả hơn 300 triệu đồng.
Năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả 211,4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trước đó, giai đoạn 2019 - 2023, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng Quỹ đã chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 994,4 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chủ động điều tiết số tiền chưa xác định được đối tượng chi, để bù đơn giá cho lưu vực thấp (như lưu vực sông Mã, một số lưu vực nội tỉnh...), tạo sự công bằng và khuyến khích công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các chủ rừng và nhận được sự đồng thuận từ người dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Từ tiền môi trường rừng, người dân huyện Điện Biên Đông có thêm nguồn lực phát triển mô hình chăn nuôi.
Về khía cạnh kinh tế, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã trực tiếp giúp nhiều địa phương có kinh phí triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Một số chủ rừng nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tương đối cao, như: Cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé (bình quân mỗi hộ nhận gần 87 triệu đồng/năm); cộng đồng bản Thẩm Táng, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo (bình quân mỗi hộ nhận gần 28 triệu đồng/năm); thu nhập bình quân mỗi năm của hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 2 triệu đồng/năm…
Theo ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, đồng thời còn huy động được nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Qua đó, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021 hơn 95.000 hộ, năm 2022 gần 96.000 hộ và đến năm 2023 trên 96.000 hộ. Tại khu vực được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Điều này góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện sinh thái rừng tại các địa phương.
Thu Hằng