Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo". Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước hàng đầu của BRICS đã chỉ ra những bất cập và lỗi thời của các thiết chế toàn cầu được xây dựng từ sau Thế chiến thứ II, đã không còn phù hợp với bối cảnh mới nhiều biến đổi. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh hơn 60% dân số thế giới vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong các thể chế quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các ngân hàng phát triển đa phương. Ông Modi ví von: “Phần mềm thế kỷ XXI không thể chạy trên máy đánh chữ thế kỷ XX”, ám chỉ sự lạc hậu của các thiết chế cũ kỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi BRICS trở thành “người tiên phong” thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu, bảo vệ hòa bình, tăng cường hợp tác phát triển và khai thác các ngành kinh tế mới nổi.
Tại Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Brazil Luiz Inacio Lula da Silva thẳng thắn chỉ ra rằng chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công và các nước đang phát triển tiếp tục gánh chịu bất lợi trong hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu hiện nay. Ông đã so sánh tôn chỉ mục đích của BRICS với phong trào “không liên kết” thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời cho rằng “BRICS là người thừa kế của Phong trào “không liên kết” - một lực lượng cân bằng và đề cao tiếng nói của các quốc gia Nam Bán cầu.
Với tiềm lực kinh tế chiếm gần 40% GDP toàn cầu, quy mô dân số chiếm gần một nửa thế giới, cùng sự đa dạng về văn hóa, địa lý và nguồn lực, BRICS đang nổi lên như một đối trọng mang tính xây dựng, thúc đẩy tiếng nói của Nam Bán cầu và các nước đang phát triển - những chủ thể lâu nay còn chưa được đại diện đầy đủ trong các thiết chế quốc tế then chốt.
Cảnh báo từ BRICS không phải không có cơ sở khi chỉ trong một thập kỷ, 3.000 tỷ phú trên thế giới thu về hơn 6.500 tỷ USD, trong khi các dòng vốn hỗ trợ phát triển giảm sút, nợ công của các nước nghèo lại gia tăng. Đồng thời, các thể chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rơi vào tình trạng tê liệt, mất khả năng xử lý hiệu quả các tranh chấp, còn Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bị chỉ trích là chưa đáp ứng thỏa đáng quyền lợi của các nước đang phát triển.
Phiên thảo luận cấp cao Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 về chủ đề: “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo” (7/2025). Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hơn nữa, Thủ tướng Modi tại Hội nghị đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các cải cách toàn diện trong các thể chế toàn cầu, lưu ý rằng Nam Bán cầu thường là nạn nhân của "tiêu chuẩn kép". Theo ông, cho dù đó là vấn đề phát triển, phân phối tài nguyên hay an ninh, lợi ích của các nước Nam Bán cầu đều không được ưu tiên. Về các vấn đề như tài chính khí hậu, phát triển bền vững và tiếp cận công nghệ, các nước Nam Bán cầu thường chỉ nhận được những cử chỉ mang tính hình thức.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ, các xung đột địa chính trị và những thách thức phi truyền thống như trí tuệ nhân tạo (AI), cách tiếp cận toàn cầu của BRICS không chỉ truyền đi một thông điệp ý nghĩa kêu gọi chống lại sự bất bình đẳng, mà còn đi kèm những đề xuất tích cực như xây dựng một trật tự toàn cầu đa cực và toàn diện, với cải cách sâu rộng về cơ cấu quản trị, quyền biểu quyết và vị trí lãnh đạo trong các thể chế quốc tế.
Đáng chú ý là việc BRICS mở rộng Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với việc chào đón thêm 2 thành viên là Colombia, Uzbekistan cho thấy khối đang củng cố các thiết chế tài chính riêng, giảm dần phụ thuộc vào hệ thống do phương Tây dẫn dắt. Qua đó, BRICS đã thể hiện nỗ lực định hình các mô hình hợp tác phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu phát triển bền vững và bao trùm. Rõ ràng khối này không dừng lại ở những tuyên bố mà đang tích cực hành động thực chất như mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, thúc đẩy quản trị công nghệ số, qua đó giảm phụ thuộc vào các mô hình cũ.
Ngoài ra, BRICS cũng thể hiện quan điểm tiến bộ khi đề cập mối quan ngại liên quan tới AI. Các lãnh đạo của khối đã cảnh báo nguy cơ AI trở thành công cụ phục vụ lợi ích của giới siêu giàu, kêu gọi áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo tiếp cận công bằng.
Tuy nhiên, con đường cải cách các thể chế quốc tế mà BRICS vạch ra không hề dễ dàng, do vấp phải sự phản đối từ các quốc gia đã quen nắm quyền chi phối trong các thể thế toàn cầu. Cho dù Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định BRICS đã vượt qua nhiều nhóm phát triển khác, cả về diện tích, dân số và sức mạnh kinh tế, thì khối này vẫn cần tạo dựng nền tảng thực tế để BRICS có thể đóng vai trò lớn hơn như trông đợi.
Trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng đan xen - từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng nợ, bất ổn địa chính trị đến cách mạng công nghiệp 4.0 - đòi hỏi những thể chế toàn cầu năng động, đại diện công bằng hơn cho tất cả các quốc gia. Hội nghị BRICS vừa qua chính là lời nhắc nhở thế giới rằng, chỉ có cải cách mới có thể đưa hệ thống quốc tế thoát khỏi tình trạng mất cân đối hiện nay, hướng tới một mô hình phát triển bền vững và bao trùm hơn.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 không chỉ phản ánh những bất bình đẳng sâu sắc còn tồn tại trong hệ thống toàn cầu, mà quan trọng hơn, đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới trong việc kiến tạo một trật tự quốc tế công bằng và đa cực hơn.
Trong một thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chưa từng thấy, vai trò của BRICS không chỉ quan trọng đối với các thành viên, mà còn gửi gắm hy vọng về một tương lai trong đó tiếng nói của các quốc gia đang phát triển được lắng nghe và tôn trọng hơn. Cũng chính điều này sẽ tạo động lực quan trọng để góp phần thiết lập một trật tự toàn cầu mới - đa cực và công bằng hơn.
Mai Nguyên (Tổng hợp)