Bí thư Đảng ủy xã Thuận Lợi, tỉnh Đồng Nai Bùi Thị Minh Thúy trao đổi với người dân địa phương về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: T.Hiện
Và cấp xã - nơi gần dân nhất, nơi mà mỗi quyết sách, mỗi sự đổi thay đều tác động trực tiếp đến đời sống người dân, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã không chỉ dừng ở việc thay đổi địa giới hành chính, mà còn mở ra triển vọng mới cho sự phát triển bền vững từ cơ sở.
Đồng thuận cao
Những ngày cuối tháng 6 ở xã Thuận Lợi, tỉnh Đồng Nai mới không khí của các hoạt động thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính thật khẩn trương. Sự bận rộn, hối hả của các cán bộ, đảng viên, công chức chuẩn bị các điều kiện cho việc chuyển giao nhiệm vụ để bộ máy mới sau sáp nhập đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả ngay từ ngày đầu.
Thực hiện Nghị quyết 09 ngày 28-4-2025 của HĐND tỉnh Bình Phước (cũ) về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Phước, xã Thuận Lợi được thành lập trên cơ sở nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã là Thuận Phú và Thuận Lợi. Ngay sau khi có nghị quyết, địa phương đã tập trung triển khai các nội dung kịp thời đến mọi người dân về việc thực hiện hợp nhất 2 địa phương thành xã Thuận Lợi (mới) không chỉ nhằm cụ thể hóa các nghị quyết quan trọng của cấp trên mà hơn hết là mở ra môi trường mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ ấp Thuận Hải, xã Thuận Lợi) chia sẻ: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đổi mới, đưa các địa phương phát triển nên tôi hết sức tin tưởng và ủng hộ. Địa phương cũng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc này, mọi người dân ở đây đều chấp hành, nhất trí, ủng hộ cao”.
Việc hợp nhất 2 xã thành xã mới Thuận Lợi không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, mà còn mở ra một trang sử mới, hướng tới mô hình quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Với tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển, cán bộ, đảng viên và nhân dân thể hiện sự đồng thuận cao vào những chuyển biến tích cực về bộ máy, kinh tế - xã hội và đời sống sau khi sáp nhập.
Bà Trịnh Thị Hoa phấn khởi bày tỏ: “Ngoài ý nghĩa sâu xa mang tầm vĩ mô của Đảng, Nhà nước, là một người dân địa phương, tôi thấy chủ trương không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh, sắp xếp cấp xã có sự điều động cán bộ từ nhiều địa phương khác nhau để phục vụ tốt nhất cho nhân dân”.
“Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là nền tảng quan trọng để nâng cao niềm tin của nhân dân, tạo nên sự gắn bó mật thiết hơn nữa giữa Đảng, nhân dân và chính quyền. Đối với địa phương, chúng tôi xác định là phải nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó chú trọng việc nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ theo phân cấp, phân quyền; chú trọng kỹ năng giao tiếp, xử lý tiếp nhận hồ sơ của người dân. Xây dựng mô hình chính quyền ở địa phương cấp xã đi đôi với cải cách hành chính và chuyển đổi số, tổ chức hiệu quả trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã và vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, cùng với đó là đẩy mạnh việc kiểm tra giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức” - Bí thư Đảng ủy xã Thuận Lợi Bùi Thị Minh Thúy cho biết.
Niềm tin vững
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của chủ trương sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy, các đơn vị hành chính cấp xã của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo xã Thuận Lợi đã chủ động và quyết tâm cao, coi đây là cơ hội lịch sử để bứt phá, thay đổi từ nhận thức đến hành động trong công tác quản lý nhà nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
Chính quyền 2 cấp, đồng nghĩa khâu trung gian được cắt giảm, thẩm quyền được phân định rõ ràng và trách nhiệm được giao đến đúng người, đúng nơi. Sự thay đổi về mô hình tổ chức cũng đòi hỏi tư duy mới từ đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã. Nhiều thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn, các vấn đề dân sinh được xử lý trực tiếp.
Chị Quản Thị Minh Phượng (ngụ ấp Đồng Búa, xã Thuận Lợi) bày tỏ: “Tôi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính thì được các anh chị công chức ở xã giải quyết nhiệt tình, đúng hẹn, không phải chờ đợi nhiều. Điều đó rất thuận tiện cho công dân”.
Trước đây, nhiều việc phải “chờ huyện”, nay xã là nơi quyết định, do đó xã phải chủ động và linh hoạt. Và cán bộ phải nắm chắc không chỉ thẩm quyền mới, mà còn phải thay đổi tư duy, từ làm đúng quy trình chuyển sang phục vụ, từ hành chính sang kiến tạo, đó là một chính quyền phục vụ và gần dân.
“Cán bộ, công chức trong xã đều đồng thuận thực hiện việc sắp xếp bộ máy mới. Mỗi người được phân công nhiệm vụ mới theo đơn vị mới. Riêng bộ phận ở Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã, anh em nỗ lực, trau dồi nghiệp vụ, thực hiện đúng chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin cố gắng hết sức có thể để phục vụ cho người dân tốt hơn, trả kết quả sớm nhất có thể” - anh Tô Văn Nam, công chức Văn phòng - thống kê xã Thuận Lợi chia sẻ.
Thay đổi về địa giới hành chính, không làm chính quyền xa dân, mà sau sắp xếp, nhiều công việc còn được số hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Những công việc trước đây còn chồng chéo thì nay được giải quyết thông suốt. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối sẽ giúp chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả hơn.
Cấp xã mới không chỉ đổi mới trong bộ máy hành chính, mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Mỗi một xã mới là một hành trình mới và cũng là niềm tin vào một nền hành chính phục vụ, một chính quyền kiến tạo. Trách nhiệm lớn hơn, nhưng đây cũng là cơ hội để chính quyền cấp xã tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Anh Ngọc