Động lực mới trong công tác cải hoán và tối ưu hóa
Đầu năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi và mở rộng bản quyền cho Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Vượt qua muôn vàn khó khăn, đến ngày 26/10/2012, Nhà máy Đạm Cà Mau - nhà máy sản xuất phân đạm urê hạt đục hiện đại nhất Việt Nam hiện nay và là dự án thứ 3 trong chuỗi giá trị Khí - Điện - Đạm của Tập đoàn tại vùng đất Cà Mau chính thức được khánh thành. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau không chỉ đáp ứng phần lớn nhu cầu phân đạm của bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, góp phần bình ổn nguồn phân bón của đất nước, mà còn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về một nhà máy khép kín, hướng đến “xanh hóa” nền công nghiệp của Việt Nam.
Nhà máy Đạm Cà Mau
Trong suốt 12 năm vận hành, đội ngũ kỹ thuật của Nhà máy Đạm Cà Mau, Chi nhánh của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Phân bón Cà Mau) đã không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động để tối ưu công nghệ tạo hạt của Nhà máy. Trước đó, vào năm 2022, với việc duy trì cụm tạo hạt vận hành liên tục 45 ngày (giai đoạn từ ngày 7/2/2022 đến ngày 23/3/2022), Phân bón Cà Mau đã trở thành công ty duy trì cụm tạo hạt vận hành liên tục, ổn định lâu nhất tại các nước nhiệt đới sử dụng công nghệ tạo hạt tầng sôi của Nhà bản quyền ToYo (Nhật Bản).
Đến ngày 31/10/2023, Nhà máy Đạm Cà Mau được trao Chứng nhận Kỷ lục vận hành an toàn, ổn định hơn 350 ngày ở công suất cao từ Haldor Topsoe. Đây là lần thứ hai liên tiếp, Nhà máy Đạm Cà Mau được nhận chứng chỉ kỷ lục từ Nhà bản quyền hàng đầu châu Âu. Thành quả ấn tượng của Chứng nhận Kỷ lục vận hành an toàn, ổn định hơn 350 ngày có được từ nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố tiêu biểu phải kể đến là sự quyết tâm từ Ban lãnh đạo Công ty và Nhà máy Đạm Cà Mau; năng lực và sự nhiệt huyết của toàn thể CBCNV Nhà máy ở tất cả các mặt, từ công tác cải hoán, tối ưu hệ thống công nghệ được thực hiện đúng trọng tâm cho đến kế hoạch bảo dưỡng thực hiện đồng bộ và hiệu quả, đội ngũ vận hành được đào tạo bài bản và có kỹ năng cao... Tiếp bước các thành công đã đạt được trong thời gian qua, PVCFC và Haldor Topsoe đang phối hợp nghiên cứu để tìm giải pháp tối ưu trong việc nâng cao hơn nữa hiệu suất và công suất Nhà máy Đạm Cà Mau.
Trong xu hướng về chuyển dịch năng lượng xanh, giảm phát thải CO2 phù hợp với quy hoạch năng lượng quốc gia, Nhà máy Đạm Cà Mau đang đối mặt với việc nguồn khí tự nhiên cung cấp cho Nhà máy suy giảm nhanh, giá khí đầu vào có xu hướng tăng dần. Nhà máy bước vào chu kỳ mới, đối mặt với các thách thức về tải hoạt động cận biên, tuổi thọ thiết bị suy giảm. Từ những yếu tố này, bắt buộc đội ngũ lãnh đạo PVCFC, Nhà máy Đạm Cà Mau phải liên tục thay đổi, tiếp cận cái mới và cải hoán Nhà máy để duy trì vận hành và đảm bảo nguồn cung sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau, lãnh đạo Nhà máy đã đưa ra định hướng bám sát chiến lược của PVCFC trong giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, mục tiêu là tối ưu công suất Nhà máy, giữ công suất Nhà máy tối thiểu 115%. Đến năm 2030, nâng công suất Nhà máy lên 125%. Trong khi đó, mức tiêu hao năng lượng đến năm 2025 tiết giảm tối thiểu 5% so với định mức năm 2022 và mức tiêu hao năng lượng giảm thêm tối thiểu 3% so với định mức năm 2024. Giảm phát thải 2,5% tổng phát thải CO2 so với năm 2023. Đến năm 2030, giảm thêm 4,5% để đạt kế hoạch giảm phát thải tối thiểu 7%.
Trong công tác giảm phát thải CO2, Nhà máy Đạm Cà Mau đưa ra giải pháp quan trọng đang được triển khai là tận dụng và thu hồi tối đa nguồn CO2 dư cũng như CO2 từ khí thải để gia tăng sản lượng urê và sản xuất CO2 thực phẩm. Với lộ trình cụ thể, Nhà máy đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm phát thải tương đương 7%, đến năm 2050 giảm lượng phát thải này xuống mức “0” - tức là trung hòa carbon hoàn toàn.
Mục tiêu tối ưu công suất Nhà máy Đạm Cà Mau
Tự chủ trong bảo dưỡng tổng thể
Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành liên tục, ổn định, hiệu quả; sản lượng sản xuất lũy kế đến tháng 7/2024 vượt 10,5 triệu tấn, chính thức cán mốc sản lượng 11 triệu tấn urê quy đổi vào ngày 25/12/2024. Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng cùng với Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau nói chung đã trở thành “đòn bẩy” tạo đà để phát triển công nghiệp trong tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững.
Công nghệ của Nhà máy Đạm Cà Mau đều đến từ các nhà cung cấp bản quyền công nghệ có uy tín trên thế giới. Cụ thể, công nghệ xây dựng Nhà máy được lựa chọn từ công nghệ sản xuất amoniac của Haldor Topsoe (Đan Mạch), công nghệ sản xuất urê của SAIPEM (Italia), công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp (Nhật Bản). Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có nguồn gốc từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho Nhà máy đều theo tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS...) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn phòng cháy chữa cháy của Việt Nam.
Chuyên gia PVCFC thực hiện bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Cà Mau
Mỗi năm, Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ diễn ra một đợt bảo dưỡng tổng thể. Sau mỗi kỳ bảo dưỡng tổng thể, phong trào sáng kiến, sáng chế luôn diễn ra sôi nổi, góp phần vào mục tiêu tiết giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao công suất Nhà máy...
Ngày 16/8, Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức tiến hành đợt bảo dưỡng tổng thể năm 2024. Sự kiện huy động tổng lực với 1.714 nhân sự, trong đó có 07 chuyên gia nước ngoài, 01 chuyên gia trong nước, 65 nhân sự trong ngành, 1.057 nhân sự nhà thầu thuê ngoài và 584 nhân sự của Nhà máy Đạm Cà Mau.
Bảo dưỡng tổng thể năm 2024 tại Nhà máy Đạm Cà Mau với khoảng 3.100 hạng mục, là công việc phức tạp, đòi hỏi phải có sự đồng sức, đồng lòng nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua các khó khăn, thách thức của từng CBCNV. Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch HĐQT PVCFC nhấn mạnh rằng năm 2024, Nhà máy Đạm Cà Mau đang thực hiện rất tốt công tác bảo dưỡng tự chủ, phát huy thế mạnh trong chuyên môn, sáng tạo và chủ động tối ưu hóa các cụm công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất, tiêu hao năng lượng và nâng cao công suất của Nhà máy.
Người lao động tại Nhà máy Đạm Cà Mau
Nhà máy Đạm Cà Mau có đội ngũ cán bộ, kỹ sư nhiệt huyết, giỏi tay nghề, giàu kinh nghiệm, đã trải qua 12 năm thực hiện bảo dưỡng tổng thể Nhà máy. Công tác bảo dưỡng tổng thể hằng năm đều được thực hiện một cách rất bài bản nên việc chuẩn bị, đánh giá và đưa ra các phương án đều rất kỹ lưỡng và nhanh chóng. Họ tự tin trong việc bảo dưỡng, sửa chữa các van an toàn, van điều khiển, các van tay khi không có chuyên gia, kể cả đối với các thiết bị động hay với công việc hàn, cắt...
Việc nhân sự PVCFC cũng như Nhà máy Đạm Cà Mau tự chủ trong bảo dưỡng đối với các hạng mục phức tạp đã đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của năng lực cá nhân và thế mạnh cải tiến sáng tạo của PVCFC. Đó là thành quả của quá trình rèn luyện, nỗ lực học hỏi, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều kỳ bảo dưỡng của đội ngũ PVCFC.
N. Hiển