Động lực thiết thực cho nông dân khi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Động lực thiết thực cho nông dân khi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
6 giờ trướcBài gốc
Theo đó, với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như trên, dự kiến số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi xung quanh việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
* Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Quốc hội tỉnh Hải Dương): Chính sách thiết thực, hỗ trợ trực tiếp người nông dân
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một chủ trương đã và đang được triển khai và việc tiếp tục thực hiện trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết và đúng đắn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước phục hồi sau những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu, phát triển tự thân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam rất mở, với nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, nhưng cũng chịu tổn thương nhanh chóng trước các biến động toàn cầu. Ví dụ rõ ràng nhất là trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, nhiều quốc gia phong tỏa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất đình trệ đã tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực FDI và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chính trong hoàn cảnh đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, giữ ổn định đời sống người dân và an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, để nông nghiệp thực sự phát triển hiệu quả, bền vững, rất cần chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước; trong đó có miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Đây là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, giúp họ giảm gánh nặng chi phí sản xuất, đặc biệt trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Trong các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân chủ yếu canh tác theo hộ gia đình, khoản thuế đất không lớn, nhưng khi thu nhập từ mỗi vụ mùa không đáng kể, thì tiền thuế có thể trở thành một gánh nặng.
Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp hiện nay rất cao, từ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phần lớn vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, nông sản sản xuất ra thường rơi vào tình trạng "được mùa mất giá". Vì vậy, việc miễn thuế sử dụng đất không chỉ mang lại sự phấn khởi, an tâm cho người nông dân, mà còn hỗ trợ kịp thời và thiết thực trong bài toán chi phí đầu vào.
Chúng ta vẫn đang hướng đến nhiều chính sách lớn như tích tụ ruộng đất, phát triển thị trường nông sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Tuy nhiên, không phải địa phương nào, người dân nào cũng có thể tiếp cận được ngay với những chính sách đó. Ngược lại, chính sách miễn thuế đất nông nghiệp là chính sách bao trùm, ai có đất sản xuất thì đều được hưởng lợi.
Chính vì vậy, tôi cho rằng việc tiếp tục duy trì chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tới là một việc làm rất đúng đắn, cần thiết, nhằm bảo vệ lực lượng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ trực tiếp nông dân, và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện, đúng với định hướng coi nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động hiện nay.
* Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội): Cần đánh giá toàn diện chính sách miễn thuế đất nông nghiệp tránh lãng phí tài nguyên
Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một trong những chính sách thuế đã được thực hiện từ nhiều năm qua, thể hiện rõ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây cũng là chính sách được triển khai theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Người từng căn dặn phải miễn thuế đất nông nghiệp để "khoan sức dân".
Dù thuế suất sử dụng đất nông nghiệp không cao, nhưng việc miễn thuế có ý nghĩa rất lớn đối với người nông dân. Trong sản xuất, bất kỳ chi phí nào cũng đều ảnh hưởng đến giá thành và thu nhập. Do đó, chính sách này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng sản xuất nông nghiệp, mà còn là nguồn động viên, khích lệ thiết thực giúp người dân yên tâm bám đất, bám ruộng.
Thực tiễn cho thấy, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu ngân sách hay hiệu quả quản lý thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tích tụ và tập trung ruộng đất, hướng đến nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, thì chính sách này cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện.
Hiện tượng một số trường hợp nhận đất nhưng không đưa vào sản xuất do không có nghĩa vụ tài chính đã phần nào phản ánh hạn chế của chính sách khi không đi kèm với ràng buộc trách nhiệm sử dụng đất hiệu quả. Đây là một biểu hiện của sự lãng phí tài nguyên, cần được xem xét nghiêm túc.
Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá lại toàn diện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, từ đó đưa ra giải pháp mới phù hợp hơn: vừa tiếp tục khuyến khích, bảo vệ người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, tránh tình trạng đất bỏ hoang, sử dụng lãng phí.
Thùy Dương - Thúy Hiền (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/dong-luc-thiet-thuc-cho-nong-dan-khi-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-20250514140233899.htm