Động lực thoát nghèo bền vững

Động lực thoát nghèo bền vững
14 giờ trướcBài gốc
Từng bộn bề gian khó, nhưng nay, cuộc sống người dân xã Mường Lạn đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Những tuyến đường bê tông, những ngôi nhà khang trang và cả mô hình kinh tế đầy triển vọng là minh chứng cho sự đổi thay đó.
Trong không khí phấn khởi của những ngày cận kề tết, ông Lò Văn Sớn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lạn hồ hởi: Mấy năm gần đây, bức tranh nông thôn Mường Lạn thay đổi đáng kể. Hệ thống đường, điện, trường trạm phủ kín các bản. Chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên. Kết quả đó có sự hỗ trợ rất lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách ưu đãi đối với những hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt, với nhiều hộ dân mới thoát nghèo, đây thực sự là chính sách an sinh quan trọng, là tiền đề để mỗi gia đình tiếp tục phấn đấu vươn lên, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trên hành trình giảm nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo, người dân xã Mường Lạn đầu tư các mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù địa phương.
Đến bản Hua Ná (xã Mường Lạn), chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ nét so với vài năm trước. Đơn cử như gia đình anh Lường Văn Danh, cách đây 5 năm là hộ nghèo thì nay cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Anh Danh chia sẻ: Sau khi thoát ngèo năm 2019, tôi được vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Với số tiền đó tôi đầu tư làm chuồng trại mua lợn nái và vịt cổ xanh. Nhờ chăm sóc tốt, hàng năm mô hình chăn nuôi của gia đình tôi thu về khoảng 30 triệu đồng. Giờ đây, không những đã trả xong nợ mà tôi còn có điều kiện mở rộng mô hình, tăng thu nhập.
Bản Hua Ná có hơn 120 hộ. Người dân Hua Ná xóa đói giảm nghèo tập trung vào 3 phương thức: Trồng trọt, chủ yếu là trồng lúa nước bởi bản thuận lợi khi có suối Nậm Lặn, Nậm Nhộp chảy qua; hai là chăm sóc, bảo vệ rừng để hưởng dịch vụ môi trường rừng; thứ 3 là phát triển chăn nuôi. Tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách, các hộ dân đã tận dụng tối đa đầu tư sản xuất xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng tuyên truyền chính sách vay vốn tại xã Ẳng Cang.
Triển khai Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách đối với hộ mới thoát nghèo, những năm gần đây, có hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng được tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng cho biết, các gói tín dụng đã giúp hàng nghìn hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, tuy nhiên, thực tế đã có tình trạng chỉ sau một thời gian thoát nghèo, không ít hộ lâm vào tình cảnh khó khăn và tái nghèo. Trước thực trạng trên, từ năm 2015, chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo được triển khai thực hiện. Hiện nay, dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo của đơn vị đạt trên 74 tỷ đồng.
Lãnh đạo xã Ẳng Cang kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách tại hộ gia đình được vay vốn.
Theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội là hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định, với mức cho vay 50 triệu đồng/hộ. Từ năm 2019, chương trình nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng/hộ. Thời hạn vay do ngân hàng và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 10 năm.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Ảng làm thủ tục giải ngân vốn vay cho người dân trên địa bàn huyện.
Trên cơ sở chính sách của Trung ương, để đồng vốn giải ngân, sử dụng hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh…) xây dựng hợp đồng ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng được vay vốn. Từ đó hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng bản, tổ dân phố…
Theo ông Trần Mạnh Tuấn, bên cạnh tạo điều kiện để hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận vốn vay, đơn vị phối hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể định hướng, tư vấn cho các hộ gia đình về phương án phát triển sản xuất, kinh doanh trước khi vay vốn; động viên người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình phù hợp để học tập, áp dụng. Cán bộ ngân hàng tăng cường giám sát, giúp đỡ, đôn đốc hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hạn chế thấp nhất nợ xấu. Từ đó, nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Quang Long
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/dong-luc-thoat-ngheo-ben-vung