Nghề massage chăm sóc phục hồi sức khỏe mang lại nguồn thu ổn định cho kỹ thuật viên tại HTX Nhân Đạo
Theo chân ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc HTX Nhân Đạo vào khu vực sản xuất, dịch vụ của HTX, chúng tôi được ông giới thiệu kỹ về từng hoạt động cụ thể tạo ra nguồn thu ổn định cho HTX nhiều năm nay.
Ông Toản cho biết: “HTX Nhân Đạo được thành lập vào năm 1996. Nơi đây tập hợp hàng chục lao động thành thạo các ngành nghề sản xuất tăm tre, chổi đót và đặc biệt là dịch vụ massage chăm sóc, phục hồi sức khỏe”.
Là nghề mũi nhọn được các cấp HNM khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để phát triển, HTX vẫn luôn quan tâm và đồng hành để vừa nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho các kỹ thuật viên.
Trò chuyện với anh Trịnh Minh Hoài Nhân, kỹ thuật viên massage tại HTX, chúng tôi hiểu rõ hơn về những điều mà ông Toản chia sẻ.
Đã có kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề, với anh Nhân, nghề massage không chỉ trở thành “cần câu cơm”, mà còn là nghề nghiệp kết nối để anh tạo lập nên một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Anh Nhân kể: “Trong 5 anh chị em, mình tôi bị mù bẩm sinh. Trước khi trở thành hội viên HNM, tôi rất ít tiếp xúc với bên ngoài, vì thế lúc nào cũng rụt rè, tự ti. Sau này, khi học chữ nổi Braille, học nghề và được khách hàng công nhận, tôi đã tự tin hơn nhiều”.
Để trở thành kỹ thuật viên có tay nghề chất lượng, cùng với quá trình học tập và thực hành không ngừng, anh Nhân còn có những chuyến đi đến các tỉnh bạn để mài giũa cả kỹ năng và kiến thức nghề. Chính trong một chuyến đi như thế tại Thủ đô Hà Nội, anh đã gặp chị Nguyễn Thị Hiên, người đồng cảnh ngộ và cũng có chung niềm đam mê với nghề massage như anh.
Đồng cảm và tình yêu ngày một lớn dần, hai anh chị kết hôn. Sau này, chị Hiên theo anh Nhân về quê chồng, đôi vợ chồng trẻ đã trở thành kỹ thuật viên có tay nghề cao tại HTX.
Chẳng riêng anh Nhân và chị Hiên, với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và sự phát triển của nghề massage, nhiều kỹ thuật viên tại HTX Nhân Đạo đã có nguồn thu ổn định với nghề. Song song với massage chăm sóc, phục hồi sức khỏe, các ngành nghề khác của HTX như sản xuất tăm tre, chổi đót cũng mang lại doanh thu cho cơ sở và đồng lương khá ổn định cho lao động là người khiếm thị tại đây.
Ông Nguyễn Quốc Toản thông tin thêm: “Hiện tại HTX đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có 11 lao động là người khiếm thị và người tàn tật. Trung bình mỗi năm, các lao động có việc làm ổn định trong 9 - 11 tháng”.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ cơ sở sản xuất và dịch vụ massage chăm sóc, phục hồi sức khỏe đã đạt xấp xỉ 400 triệu đồng và đang tiếp tục tăng nhanh. Trong đó, dịch vụ massage chăm sóc, phục hồi sức khỏe chiếm tỷ lệ cao hơn các ngành nghề khác.
Trong những năm qua, cùng với việc duy trì hoạt động kinh doanh, HNM TP. Huế còn phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho học viên để ươm thêm hạt giống, tạo nguồn nhân lực trẻ đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển quy mô kinh doanh.
Ông Phan Văn Quốc, Chủ tịch HNM TP. Huế cho biết: “Sắp tới, ngoài hưởng ứng tích cực các hội thi tay nghề để hội viên có cơ hội cọ xát, nâng cao kỹ năng, chúng tôi sẽ quan tâm, đồng hành hơn nữa cùng HTX để từng bước phát triển, mở rộng quy mô cũng như chất lượng dịch vụ massage chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Tin rằng động lực từ nghề này sẽ khuyến khích và gia tăng hơn nữa hiệu quả hoạt động của HTX, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động”.
Bài, ảnh: MAI HUẾ