Đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Phú Lập, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên
Trên cơ sở đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng NTM, Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu cao trong năm 2025 khi phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 huyện hoàn thành NTM nâng cao và huyện Xuân Lộc hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.
Nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao
Hiện toàn tỉnh có 106/116 xã NTM nâng cao, đạt 91,4% mục tiêu đến năm 2025; có 33/116 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 28,5% tổng số xã, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025. Huyện Xuân Lộc đạt huyện NTM nâng cao năm 2023 và 2 huyện Định Quán, Thống Nhất đạt huyện NTM nâng cao năm 2024. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu về đích tỉnh NTM nâng cao vào năm 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm 2025.
Theo đó, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 414/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2025 trên địa bàn Đồng Nai. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 4 xã NTM kiểu mẫu và 100% số xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu không bị thu hồi quyết định công nhận. Trong đó có 40% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Một số chỉ tiêu chủ yếu cần đạt gồm: tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn khu vực nông thôn là 85%, trong đó sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 55%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề khu vực nông thôn đạt 55%; giảm 0,07% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia giai đoạn 2021-2025…
Để thực hiện mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đồng loạt các nhiệm vụ trong xây dựng NTM. Tiêu biểu như huyện Tân Phú là huyện vùng sâu, có điểm xuất phát thấp so với nhiều địa phương khác của tỉnh khi bắt tay vào xây dựng NTM. Nhưng huyện có nhiều bứt phá trong năm 2024 khi có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu. Đây là địa phương có xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tốp đầu của tỉnh trong năm 2024. Với kết quả đạt được, huyện Tân Phú đang thực hiện hồ sơ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025, sớm hơn so với mục tiêu đề ra.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Ngọc Hưng, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn luôn được địa phương chú trọng trong xây dựng NTM. Theo đó, huyện định hướng phát triển nông nghiệp hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với phát triển thương hiệu nông sản để có đầu ra bền vững. Kết quả đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng sản xuất tập trung một số trái cây, cây trồng đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, huyện đã phát triển được hơn 3,6 ngàn hécta sầu riêng, là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh.
Về làm việc tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn TRẦN THANH NAM đánh giá rất cao sự chỉ đạo, lãnh đạo xuyên suốt của Đồng Nai trong xây dựng NTM. Đặc biệt, Xuân Lộc hiện là địa phương đầu tiên của cả nước cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu. Đây là bài học giá trị cho Trung ương trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu thời gian tới.
Về đích nông thôn mới kiểu mẫu
Xuân Lộc là một trong 4 địa phương của cả nước được chọn thực hiện mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu đến năm 2025. Theo đó, một trong những mục tiêu lớn của tỉnh trong xây dựng NTM năm 2025 là huyện Xuân Lộc về đích huyện NTM kiểu mẫu.
Đến nay, mục tiêu trên đã cơ bản hoàn thành khi năm 2023, Xuân Lộc được công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Đến nay, Xuân Lộc đã đạt tất cả các nhóm mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025”, sớm hơn một năm so với mục tiêu đề án đặt ra. Đặc biệt, hiện Xuân Lộc đã có 14/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và một đô thị văn minh.
Là địa phương duy nhất của cả nước được chọn thực hiện mô hình kiểu mẫu phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, những năm qua, Xuân Lộc luôn tập trung phát triển sản xuất. Đến nay, huyện đã hình thành được những vùng chuyên canh các cây trồng đặc sản cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, xoài, thanh long, hồ tiêu, dưa lưới, hoa lan… Nổi bật, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 11,7 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 100% so với tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực toàn huyện. Địa phương cũng hình thành được 7 vùng sản xuất theo hướng hữu cơ.
Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên nhấn mạnh, giá trị sản xuất trồng trọt của huyện đạt trên 232,4 triệu đồng/hécta/năm. Giá trị thu nhập đối với các cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện đạt 348,5 triệu đồng/hécta/năm, tăng hơn 78 triệu đồng/hécta so với mục tiêu đề án đặt ra. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức thu nhập đều từ 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/hécta/năm. Có được kết quả trên là nhờ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng và giá trị đầu ra cho nông sản. Hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Xuân Lộc đạt 95,38 triệu đồng/năm, mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Bình Nguyên