Vùng chuyên canh cây ca cao theo chuỗi liên kết trồng - chế biến - xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao của huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Huyện vùng sâu, vùng xa hay huyện đang tập trung phát triển đô thị đều có nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng huyện NTM nâng cao. Thế nhưng, các địa phương đã khai thác được thế mạnh để về đích NTM nâng cao.
Đầu tư cho hạ tầng
Trong quá trình nỗ lực phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao, huyện miền núi Định Quán có nhiều bước đột phá. Thành quả huyện Định Quán đã đạt được khi về đích huyện NTM nâng cao là 13/13 xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; 9/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, chiếm tỷ lệ 69%, vượt so với quy định điều kiện xét đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là 50%. Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 5 khu dân cư kiểu mẫu.
Có kết quả trên là do huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là những hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân. Đến nay, trên 70% công trình thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư như: các tuyến đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống cấp nước tập trung, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn… đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện; đảm bảo đạt theo quy định của UBND tỉnh.
Huyện có 39 tuyến đường huyện dài gần 267km và 137 tuyến đường xã dài 116km đều được nhựa hóa và bê tông hóa; đảm bảo kết nối các trung tâm hành chính, liên vùng, vùng nguyên liệu tập trung với nhau, đảm bảo thuận tiện cho việc lưu thông.
Năm 2015, Thống Nhất được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đây là thuận lợi để huyện bắt tay vào xây dựng huyện NTM nâng cao. Kết quả, huyện Thống Nhất đến nay có 9/9 xã giữ vững NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; 7/9 xã bảo đảm duy trì, giữ vững NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Thị trấn Dầu Giây đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và huyện đạt NTM nâng cao sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra.
Về đích trong xây dựng NTM nâng cao, cả 2 huyện Định Quán và Thống Nhất đều đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển sản xuất. Đặc biệt, nông dân trên địa bàn 2 huyện có nhiều cách làm hay, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo và làm giàu, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên.
Huy động tốt sức dân
Tuy có những đặc thù và thế mạnh, cũng như khó khăn riêng trong xây dựng huyện NTM nâng cao nhưng Định Quán và Thống Nhất đều có điểm chung là lấy người dân làm chủ thể xuyên suốt quá trình xây dựng NTM.
Một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM nâng cao của 2 địa phương này là công tác “dân vận khéo”.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết, bám sát phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huyện đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ linh hoạt, thực hiện xã hội hóa phù hợp điều kiện cụ thể của từng xã để huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Đặc biệt, phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu xuyên suốt quá trình xây dựng NTM.
Kết quả, huyện đã hình thành và phát triển được 5 vùng sản xuất tập trung các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: chuối cấy mô xuất khẩu, sầu riêng, ca cao, xoài… Toàn huyện đã xây dựng và duy trì được 20 mã số vùng trồng cho các cây trồng có lợi thế xuất khẩu. Đến nay, giá trị sản xuất trên 1 hécta đất canh tác của huyện không ngừng được nâng cao, hiện đạt hơn 196,3 triệu đồng/hécta, tăng 147,7 triệu đồng/hécta so với năm 2018 và cao hơn mức bình quân của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn trên địa bàn huyện Định Quán hiện đạt gần 84,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân của tỉnh, tăng gần 43,2 triệu đồng/người so với năm 2018.
Huyện Thống Nhất lại là địa phương có gần 88% đồng bào theo đạo, trong đó có gần 73% đồng bào theo đạo Công giáo.
Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền chia sẻ, với đặc thù đa số người dân là đồng bào Công giáo nên địa phương rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay, đồng lòng xây dựng NTM với nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Trong đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn xác định nông dân là chủ thể trong Phong trào Xây dựng NTM nên rất chú trọng đến việc tổ chức đối thoại với người dân, tổ chức đoàn làm việc với các xã nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM. Các địa phương trên địa bàn huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã hình thành được 23 vùng sản xuất tập trung với nhiều cây trồng chủ lực như: chôm chôm, chuối, sầu riêng, bưởi… Các vùng chuyên canh này đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Toàn huyện có 24 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã trên địa bàn huyện từ 87-93,2 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức đạt của NTM nâng cao là 68 triệu đồng/người/năm. Địa phương cũng không còn hộ nghèo đa chiều.
Bình Nguyên