Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những dự án trọng điểm đang được Đồng Nai đẩy mạnh. Ảnh: Quỳnh Danh.
UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương về tình hình giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm và kế hoạch phát triển đô thị sân bay Long Thành cùng khu vực phụ cận trên địa bàn tỉnh.
Nhiều dự án lớn sẽ hoàn thành trong 2026
Cụ thể, theo quy hoạch giao thông đã được phê duyệt, tỉnh Đồng Nai dự kiến xây dựng hệ thống đường bộ gồm 5 tuyến cao tốc và 2 tuyến đường vành đai, với tổng chiều dài 282 km.
Trong số đó, 2 dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Phan Thiết - Dầu Giây đã đưa vào sử dụng; 3 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3 đang được triển khai thi công; 2 dự án Vành đai 4 và Dầu Giây - Liên Khương đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Đối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 34 km được chia thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km qua huyện Long Thành đã phê duyệt phương án bồi thường, đạt hơn 94% diện tích thu hồi và bàn giao 62 ha mặt bằng, đạt gần 80%.
Riêng đoạn qua TP Biên Hòa đã phê duyệt bồi thường cho 1.116 thửa đất, đạt 99,78% về diện tích, với 43 ha mặt bằng được bàn giao, đạt 72%.
Dự án thành phần 2 dài 18,2 km do Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đã bàn giao 138 ha, đạt 91%.
Đồng Nai cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12 và dự kiến hoàn thành thi công vào ngày 30/4/2026.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai vẫn còn hàng trăm hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tương tự, dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM cũng đang được triển khai tích cực. Đối với hạng mục xây lắp, dự án thành phần 1A đã thi công đạt 80% giá trị hợp đồng, trong khi thành phần 4 đã thực hiện được khoảng 12% tổng giá trị đầu tư.
Hiện, công tác giải phóng mặt bằng đạt gần 100% cho cả 2 dự án thành phần. Đối với dự án thành phần 4, còn 17 hộ đang thực hiện vận động, tổ chức cưỡng chế bàn giao, dự kiến bàn giao toàn bộ mặt bằng cuối năm nay và hoàn thành thi công xây dựng vào 30/4/2026.
Đối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, toàn bộ 28,7 km mặt bằng đoạn qua Đồng Nai đã được bàn giao, dự án đang thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn đi qua khu rừng ngập mặn thuộc rừng phòng hộ Long Thành. Ảnh: Quỳnh Danh.
Về hệ thống đường sắt, theo quy hoạch, Đồng Nai có 4 tuyến đường sắt quốc gia, gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dài 80 km); đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (87 km); đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường metro kéo dài kết nối Biên Hòa - Suối Tiên.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch, Đồng Nai có 42 cảng biển, 9 cảng cạn (ICD) và 15 tuyến sông nội địa, với chiều dài hơn 153 km.
Đối với hàng không, Đồng Nai có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã hoàn tất bàn giao mặt bằng 5.000 ha và 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2, trong khi sân bay lưỡng dụng Biên Hòa đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Đẩy nhanh dự án metro kết nối Long Thành với Thủ Thiêm
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng một loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hiệu quả triển khai các dự án hạ tầng quan trọng liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống giao thông kết nối.
Đối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai san lấp mặt bằng giai đoạn 2, nhằm đảm bảo an toàn bay và tránh ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay khi giai đoạn 1 đi vào vận hành.
Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho dự án tiêu thoát nước khu vực ngoài sân bay Long Thành (giai đoạn 1), đảm bảo hạ tầng tiêu thoát nước được triển khai đồng bộ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động của sân bay.
Về nguồn vốn thực hiện dự án đường Vành đai 4, UBND tỉnh đã cập nhật phương án tài chính cho dự án theo hướng hỗ trợ 50% từ ngân sách tỉnh, tương đương 12.379 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối của nguồn ngân sách tỉnh rất khó.
Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ thêm 50% từ ngân sách Trung ương, với khoảng 6.189 tỷ đồng.
Đối với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhanh chóng hoàn tất hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi để đảm bảo kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động năm 2026.
Ngoài ra, để giảm tải áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ, Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, bởi khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, dự kiến 70% lượng khách sẽ đi về TP.HCM.
Đồng Nai đề nghị đẩy nhanh dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để giảm tải giao thông đường bộ về TP.HCM khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Ảnh: ACV.
Tỉnh cũng đề xuất đầu tư thêm tuyến Quốc lộ 20B (Đường ĐT 769E) và nút giao với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để tăng cường kết nối khu vực phía Bắc sân bay, giảm áp lực giao thông trên tuyến T1.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đôn đốc VEC sớm thi công hoàn tất, đưa vào khai thác toàn bộ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành để kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với sân bay Long Thành.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch, xây dựng thành phố Long Thành là thành phố thông minh, hiện đại, là thành phố kết nối quốc tế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo bố trí, cung ứng đủ vật liệu xây dựng, san lấp cho dự án sân bay Long Thành và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, nghiên cứu phương án giao thông metro, tàu điện ngầm hoặc đường sắt tốc độ cao để kết nối các sân bay Long Thành, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, bảo đảm quý I/2025 hoàn thành hướng tuyến, khả năng đầu tư...
Liên Phạm