Tỉnh Đồng Nai tăng cường đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Quyết tâm đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới và có nhiều khó khăn, thách thức lớn như chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh; hệ thống cấp chứng nhận chưa hoàn chỉnh; ý thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng về mô hình này còn hạn chế; quỹ đất để sản xuất hữu cơ không nhiều và cần phải có thời gian dài để cải tạo, chi phí đầu tư cao và thị trường không ổn định. Đối với Đồng Nai, phát triển nông nghiệp hữu cơ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do là tỉnh công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao; các mô hình sản xuất hữu cơ còn có quy mô nhỏ nên chưa có cơ sở để đánh giá về thị trường tiêu thụ. Đối với sản phẩm hướng hữu cơ, mặc dù đã có các mô hình liên kết nhưng quy mô liên kết nhỏ, các điều kiện liên kết chưa chặt chẽ, do đó việc tiêu thụ sản phẩm còn rất khó khăn; đa số người sản xuất phải tự tìm thị trường tiêu thụ với giá không cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường.
Trước những khó khăn, thách thức đó, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích gieo trồng hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 1.322 ha, chiếm 0,49% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; trong đó diện tích gieo trồng hướng hữu cơ 1.251 ha, chiếm 0,46% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; diện tích gieo trồng hữu cơ 72 ha, chiếm 0,03% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Theo đó, Đồng Nai sẽ xây dựng 8 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung trên địa bàn bao gồm: huyện Tân Phú với vùng xã Đak Lua; vùng 4 xã (Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú Lập và Tà Lài); huyện Định Quán vùng xã Thanh Sơn; huyện Vĩnh Cửu vùng xã Hiếu Liêm và vùng xã Phú Lý huyện Xuân Lộc vùng xã Suối Cao; huyện Cẩm Mỹ vùng xã Lâm San và huyện Nhơn Trạch vùng xã Phước An… Đến nay, các địa phương đã xác định được 8 vùng đáp ứng các tiêu chí để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung trên địa bàn Đồng Nai. Cụ thể, huyện Tân Phú có 2 vùng ở các xã: Đak Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú Lập và Tà Lài; huyện Vĩnh Cửu có 2 vùng ở các xã Hiếu Liêm và Phú Lý; huyện Định Quán có 1 vùng ở xã Thanh Sơn; huyện Xuân Lộc có 1 vùng ở xã Suối Cao; huyện Cẩm Mỹ có 1 vùng ở xã Lâm San; huyện Nhơn Trạch có 1 vùng ở xã Phước An. Ngoài ra, toàn tỉnh đã hình thành 23 điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ không tập trung.
Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về kết quả sơ kết thực hiện mục tiêu đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp và Báo cáo tham luận phục vụ Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như: tổ chức đoàn công tác khảo sát, làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện mục tiêu đột phá trong nông nghiệp (Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch); tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 (Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14-7-2023); UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 (Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 28-9-2023); Bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện mục tiêu đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp (Văn bản số 7217/UBND-KTN ngày 18-7-2023 của UBND tỉnh); tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: khuyến nông, hỗ trợ liên kết, sản xuất an toàn,…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện các nội dung ký kết hợp tác với các viện, trường và doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp (Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh; Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế; Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm; Công ty Cổ phần Quốc tế Hải Dương); tổ chức 12 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn với 514 người tham gia; Hội thảo “Kết nối ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp năm 2023”. Thông qua Hội thảo đã hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân với các chuyên gia của Trường Đại học, các sở ngành để tìm hiểu, kết nối thông tin khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng vào sản xuất của đơn vị; hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo được dấu ấn quan trọng, tỉnh tổ chức 2 đoàn đi học tập kinh nghiệm tại Thái Lan và Nhật Bản. Ngoài ra, phối hợp địa phương, đơn vị tư vấn rà soát xác định không gian các vùng sản xuất trong phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp gắn với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị theo dõi tình hình phát triển của 2 dự án khuyến nông Trung ương gồm: dự án “Xây dựng mô hình mẫu thâm canh điều bền vững” trên địa bàn xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu với diện tích 5 ha của 5 hộ nông dân tham gia (đến nay, tất cả diện tích điều trong dự án đều sinh trưởng, phát triển tốt) và dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo sinh sản năng suất, chất lượng cao tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các tỉnh phía Nam”... Ngoài ra, Sở tiếp tục triển khai các nội dung của dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ IoT sản xuất nấm mối đen trong nhà màng”.
Khuyến khích nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ
Với quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chỉnh quyền, các sở, ban ngành nhằm thực hiện “phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đến nay, các địa phương của Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiến tới làm nông nghiệp hữu cơ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm đạt được nhiều kết quả quan trọng: nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tốt ngày càng phát triển. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp rộng khắp và dần đi vào chiều sâu góp phần mở rộng sản xuất nông nghiệp. Đến nay, 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao, giống xác nhận; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 59.754 ha, chiếm 31,27% diện tích cây trồng cạn; 3.002,5 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt, tăng 12,5 ha so năm 2023; ứng dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng tại Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú…; 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, ứng dụng máy thu hoạch đối với bắp cây, bắp lấy hạt và đậu các loại; khoảng 65% đàn heo, 49% đàn gà được chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 83,91% cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh; 125 trang trại, 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, với quy mô hàng năm cung cấp ra thị trường tương đương 88,1 nghìn tấn thịt heo (chiếm 18,36% sản lượng thịt heo), 32,2 ngàn tấn thịt gà (chiếm 18,53% sản lượng thịt gà), 283,2 triệu quả trứng (chiếm 22,59% sản lượng trứng gà toàn tỉnh)…
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với đa dạng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; tham gia đầu tư sản xuất hữu cơ có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân. Tại huyện Thống Nhất, địa phương đã lập quy hoạch được 9 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích gần 71ha. Về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện đã triển khai thực hiện 14 mô hình với 67 điểm trình diễn. Trong đó, 1 mô hình trồng bưởi đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ; mô hình làm du lịch sinh thái gắn với sản xuất hữu cơ của HTX Nông trại Dốc Mơ tại xã Gia Tân 3 đang đề xuất cấp giấy chứng nhận. Hai mô hình trên đều được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tặng bằng khen.
Vườn dưa lưới theo hướng hữu cơ tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch
Ngoài ra, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học (IMO) được thực nghiệm và chuyển giao cho hơn 250 hộ nhằm giúp nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong quá trình canh tác. Người dân tự ủ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón; sử dụng các sản phẩm như: sả, gừng, ớt… làm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuống 20%. Tại huyện Vĩnh Cửu, địa phương chọn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến nay, sản xuất theo hướng hữu cơ được nông dân và các hợp tác xã tích cực hưởng ứng.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Phó Gíam đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục ưu tiên nhân rộng các mô hình điểm, các nhân tố mới về nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các ví dụ thực tế để động viên những người tham gia mới, từ đó hình thành một đội ngũ chất lượng làm việc trong lĩnh vực này nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh.
Khánh Linh