Huyện Định Quán tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Ảnh: B.Nguyên
Làm việc với Đồng Nai về kết quả xây dựng NTM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về số xã NTM nâng cao. Tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Kết quả ấn tượng
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến cuối năm 2024, cả nước có 2.225/8.014 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ gần 27,8% trên tổng số xã. Về huyện NTM nâng cao, hiện cả nước có 15 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đồng Nai tiếp tục thuộc tốp đầu cả nước trong xây dựng NTM nâng cao khi đến nay, toàn tỉnh có 106 xã NTM nâng cao, đạt 91,4% trên tổng số xã của tỉnh. Ngoài ra, một số địa phương đang hoàn thiện hồ sơ chờ thẩm định, công nhận xã NTM nâng cao trong năm 2024.
Về huyện NTM nâng cao, năm 2023, huyện Xuân Lộc đạt huyện NTM nâng cao. Năm 2024, Đồng Nai có 2 huyện Định Quán, Thống Nhất hiện có nhiều tiêu chí đạt, được Hội đồng Thẩm định Trung ương đánh giá sơ bộ, đang hoàn thiện hồ sơ minh chứng để đạt huyện NTM nâng cao trong năm 2024. Ngoài ra, 2 huyện Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu đang được các sở, ngành của tỉnh thẩm tra hồ sơ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Thành quả trong xây dựng NTM nâng cao của tỉnh càng ấn tượng khi trong năm 2024, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Riêng trong xây dựng NTM nâng cao, các xã, huyện xây dựng NTM nâng cao trong năm nay có xuất phát điểm thấp hơn, điều kiện khó khăn hơn so với các xã, huyện đã về đích NTM nâng cao trước đó.
Điều ấn tượng là tuy gặp nhiều khó khăn nhưng thu nhập bình quân của người dân các xã, huyện đạt chuẩn xây dựng NTM nâng cao không ngừng tăng lên; không có địa phương nào có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cụ thể, tại một số xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024, thu nhập bình quân của người dân nông thôn gần 90 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu như huyện Định Quán trong xây dựng NTM nâng cao, địa phương tập trung phát triển sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên, giá trị sản xuất trên 1 hécta đất canh tác của huyện không ngừng được nâng cao. Cụ thể, hiện giá trị sản xuất của huyện đạt hơn 196,3 triệu đồng/hécta/năm, tăng 147,7 triệu đồng/hécta so với năm 2018. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 4,38%/năm. Cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển đổi, tăng dần diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu.
Huyện Định Quán là một trong 2 địa phương của tỉnh được quy hoạch đầu tư Cụm công nghiệp Phú Túc với diện tích hơn 48 hécta. Theo quy hoạch, cụm công nghiệp này thu hút các nhà đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm, kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến.
Để chủ động triển khai Phong trào Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn tới, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình và các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở cho các địa phương nghiên cứu tính toán nguồn lực và xác định mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2030.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao
Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 5 huyện hoàn thành NTM nâng cao. Như vậy, trong năm 2025, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng NTM của tỉnh hết sức nặng nề.
Trong đó có nhiều địa phương cần phải nỗ lực hơn để hoàn thành mục tiêu UBND tỉnh giao trong xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025. Huyện Trảng Bom là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu trong xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025. Mục tiêu huyện Trảng Bom đang nỗ lực phấn đấu là đến năm 2025, 100% xã đều đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Nhưng đến nay, huyện mới có 12/16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là thách thức không nhỏ với địa phương trong hoàn thành mục tiêu đề ra.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì vừa phấn đấu đô thị hóa, vừa thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, khó khăn không nhỏ của địa phương là về đầu tư hạ tầng nông thôn, nhất là các tiêu chí đường giao thông, trường học...
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 414/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2025 trên địa bàn Đồng Nai. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 100% xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu không bị thu hồi quyết định công nhận. Trong năm 2025, toàn tỉnh có thêm 3 huyện hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch là có quy định cụ thể về các chỉ tiêu, tiêu chí cũng như các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện để đạt các mục tiêu về xã, huyện NTM nâng cao đến năm 2025.
Bình Nguyên