Theo quy hoạch, Trung tâm Chính trị - Hành chính sẽ được xây dựng trên diện tích 105 ha tại khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Dự án là một phần trong chiến lược chuyển đổi công năng khu vực này từ công nghiệp sang đô thị, thương mại và dịch vụ, đồng thời là biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Trong khuôn viên dự án, ba khối nhà hành chính cao từ 8 đến 20 tầng sẽ được bố trí trên diện tích 10,5 ha, bên cạnh đó là trung tâm hội nghị quy mô 3 tầng rộng 3,1 ha. Quảng trường trung tâm có diện tích 14 ha sẽ là không gian sinh hoạt công cộng chính, kết hợp với sân khấu ngoài trời rộng 0,4 ha và quảng trường nước 4 ha tích hợp bến thuyền nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc - cảnh quan.
Không chỉ tập trung vào chức năng hành chính, dự án còn dành nhiều diện tích cho các tiện ích hỗ trợ phát triển đô thị toàn diện. Cụ thể, khu giáo dục sẽ được xây dựng trên diện tích 4,2 ha, cao từ 6 đến 8 tầng; khu thương mại - giải trí gần 7 ha, cao 4 tầng; khu dịch vụ hỗn hợp gần 9 ha, cao từ 5 đến 8 tầng; bệnh viện quy mô 2,1 ha với chiều cao 15 tầng.
Bên cạnh đó, khu nhà ở hỗn hợp sẽ chiếm diện tích 10,6 ha, cao 15 tầng, kết hợp với khu nhà ở thấp tầng 1,66 ha và trung tâm văn hóa - thể thao gần 0,5 ha, cùng cao 5 tầng, nhằm phục vụ nhu cầu an cư và đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân và cán bộ công chức.
Hiện tại, một phần khu đất đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm chỉ huy Công an tỉnh và trụ sở Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII. Phần diện tích còn lại gần 99 ha sẽ tiếp tục được chuyển đổi công năng, phù hợp với định hướng phát triển đô thị của tỉnh.
Dự án được triển khai dựa trên ý tưởng quy hoạch đạt giải Nhất trong cuộc thi “Chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1”, do liên danh ENCITY và URBAN+ đề xuất. Theo lộ trình, việc xây dựng hạ tầng sẽ khởi công vào cuối năm 2026; các công trình chính sẽ được triển khai từ giữa năm 2027 và hoàn thành vào cuối năm 2029.
Song song với dự án này, tỉnh Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào nhiều công trình giao thông trọng điểm như tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo dài đến huyện Trảng Bom, với tổng vốn đầu tư hơn 34.700 tỷ đồng; dự án đường Vành đai 4; cầu Cát Lái nối TP. Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch; và cầu Đồng Nai 2 nhằm giảm tải giao thông và kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng Nai hiện là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, với 32 khu công nghiệp đang hoạt động và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 85%, nhiều khu gần như không còn diện tích trống. Tỉnh tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và chế biến - chế tạo.
Trong năm 2024, tỉnh đã thu hút 55 dự án FDI mới trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với tổng vốn đăng ký hơn 354 triệu USD. Riêng trong hai tháng đầu năm, Đồng Nai đã tiếp nhận thêm 10 dự án FDI mới, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 258 triệu USD.
Mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai hướng đến trở thành một địa phương phát triển nhanh, có thu nhập cao, đô thị hiện đại và phát triển bền vững. Theo Nghị quyết số 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4/2025, tỉnh Đồng Nai sẽ được sáp nhập với tỉnh Bình Phước để hình thành đơn vị hành chính mới với tên gọi là tỉnh Đồng Nai. Trung tâm tỉnh lỵ vẫn đặt tại khu vực hiện nay.
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới có tổng diện tích hơn 12.700 km², dân số hơn 4,2 triệu người và bao gồm 95 đơn vị hành chính cấp xã.
Trong quá trình sáp nhập, dự kiến sẽ có khoảng 1.600 cán bộ, công chức từ Bình Phước chuyển về Đồng Nai làm việc.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương rà soát các dự án nhà ở xã hội, đồng thời nghiên cứu phương án cải tạo, sửa chữa trụ sở hiện có để bố trí nhà ở công vụ, bảo đảm điều kiện sinh hoạt và làm việc cho đội ngũ cán bộ trong giai đoạn chuyển tiếp.
NH