Hết quý IV/2024, tỉnh Đồng Nai giải ngân vốn đầu tư công hơn 54% kế hoạch và đạt 67% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công tốt sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề ra các giải pháp để đạt mức cao hơn trong năm 2025.
Huy động các nguồn lực
Tính đến 9/12, tổng nguồn vốn đầu tư công đã được giải ngân là hơn 11.000 tỷ đồng trong tổng số 20.414 tỷ đồng tổng nguồn vốn ngân sách năm 2024.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 2.509 tỷ đồng (giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương kế hoạch giao là 13.771 tỷ đồng (giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng); vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 4.134 tỷ đồng (giải ngân tổng là gần 2.400 tỷ đồng).
Nhiều nỗ lực trong giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng Nai (Ảnh: Duy Phương)
Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết: Trên địa bàn có 8 công trình, dự án trọng điểm đang triển khai.
Các công trình, dự án trọng điểm là cú hích để tăng trưởng, do đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng phản ánh về mức độ tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, việc giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình đạt hơn 3.800 tỷ đồng trên tổng số vốn kế hoạch được giao hơn 7.500 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, ông Nguyên cho biết tỉnh Đồng Nai huy động các nguồn lực từ đất đai để phát triển hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện một số dự án cụ thể.
"Đặc biệt là tập trung một số công trình, dự án để tạo ra động lực phát triển trong năm 2025 như đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường trục trung tâm TP Biên Hòa, đường ven sông Đồng Nai", ông Nguyên nhấn mạnh.
Cùng với các dự án hạ tầng, việc xây dựng nhà ở xã hội cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Đây cũng là một phương án xử lý vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm bằng cách bố trí người dân vào các dự án nhà ở xã hội.
Quyết tâm đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội ở Đồng Nai (Ảnh: Duy Phương)
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành các nghị quyết, trong đó đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay, mới hoàn thành gần 1.700 căn tại TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom.
Năm 2024, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng 700 căn, thực hiện được 715 căn.
Theo ông Hồ Văn Hà – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, vướng mắc về nhà ở xã hội trên địa bàn do công tác lập hồ sơ chủ trương đầu tư của một số địa phương chưa đạt, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mất nhiều thời gian cũng như sự thay đổi quy định của pháp luật có liên quan.
Ông Hà cho biết, bước sang năm 2025, tỉnh sẽ quyết liệt hơn đối với công tác này: "Yêu cầu các chủ đầu tư nhà ở thương mại trước đây đã bố trí quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội thì tiếp tục thực hiện. Cụ thể như chủ đầu tư An Hưng Phát, dự án Long Thành Riverside, D2D và một số dự án của Tập đoàn Kim Oanh là phải tiếp tục thực hiện", ông Hà nhấn mạnh.
Tăng trưởng 2 con số
Kết thúc năm 2024, tỉnh Đồng Nai đạt hơn 260.000 tỷ đồng giá trị tổng sản phẩm GDRP, tăng 8,02%. Cùng với đó, GRDP bình quân đầu người đạt gần 149 triệu đồng/người/năm, tăng 9,1% so với cuối năm 2023.
Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất với 58%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ở địa bàn thủ phủ công nghiệp của cả nước tăng khá ở các ngành trọng điểm, với mức tăng chung 8,2% so với cùng kỳ. Công nghiệp là ngành mũi nhọn và có mức tăng trưởng tốt do đây là lợi thế của tỉnh.
Tập trung bứt phá trong sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai (Ảnh: Duy Phương)
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết: Bước sang năm 2025, tỉnh tập trung phải thúc đẩy bứt phá sản xuất công nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mà Đồng Nai đang có lợi thế lớn.
Thời gian tới, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc và theo dõi các dự án của tỉnh.
Còn Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, đơn vị này đang thực hiện các bước trong quy hoạch các dự án đô thị. Đối với việc xây dựng nhà ở xã hội, tỉnh sẽ tập trung khắc phục khó khăn trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để năm 2025 khởi công 7.000 căn.
Với những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đặt quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 10%. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: Đội ngũ cán bộ phải có tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo trong giải pháp thực hiện.
Theo ông Lĩnh, cần phải tăng cường lắng nghe phản biện, cầu thị tiếp thu những ý kiến tích cực và phải sớm đi đến những quyết định đúng đắn, không để mất cơ hội phát triển trong khi tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế.
Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hoàn thành đúng tiến độ (Ảnh: Duy Phương)
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương trong tỉnh căn cứ vốn đầu tư công được giao để xây dựng tiến độ cụ thể để phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi.
Cùng với đó, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra, ông Đức cho biết một nhiệm vụ quan trọng là công tác tinh gọn bộ máy.
"Tỉnh đã thành lập các ban chỉ đạo, về phía UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu các chỉ đạo của Bộ Nội vụ, cũng như tham khảo các địa phương bạn để tham mưu việc sắp xếp tinh gọn bộ máy", ông Đức nhấn mạnh.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2024, Đồng Nai cần quyết tâm hoàn thành các dự án trọng điểm để tạo sức hút đầu tư, đồng thời thực hiện tốt quy hoạch tỉnh, nâng chất và tầm của ngành công nghiệp để tiếp tục là thế mạnh vượt trội.
Duy Phương/VOV-TP.HCM