Thai phụ lo lắng vì nhiễm sởi
Ngày 3/12, theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, không chỉ trẻ em, năm nay tỉnh này còn ghi nhận nhiều ca mắc sởi ở người lớn. Điều đáng lo ngại là có cả phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh. Trong đó, nhiều trường hợp nhập viện muộn, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và có biến chứng.
Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chị Đỗ Thị Hà mang thai tuần thứ 35, đang được điều trị sởi.
Trò chuyện với báo chí, anh Nguyễn Anh Tuấn (chồng chị Hà) cho biết, trước khi nhập viện, vợ anh bị sốt và đau bụng. Sau đó, gia đình đã đưa chị vào bệnh viện điều trị. 2 ngày sau, thai phụ xuất hiện ban đỏ và đau họng. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm và xác định chị bị mắc sởi, đồng thời có biến chứng liên quan đến hệ tiêu hóa.
Chị Đỗ Thị Hà đang mang thai tuần thứ 35 đang được điều trị sởi tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Anh Tuấn chia sẻ, do vợ anh chưa từng tiêm vắc-xin sởi trước khi mang thai, nên đợt bệnh này khiến cả gia đình anh rất lo lắng. Trong quá trình điều trị bệnh sởi, chị phải uống kháng sinh, anh rất sợ việc này sẽ ảnh hưởng đến em bé.
Chị Hà cũng cho biết thêm, bản thân không nhận ra mình bị bệnh sởi vì các triệu chứng như ho có đờm khiến chị tưởng là cảm cúm thông thường. Chị đã tự ra tiệm thuốc tây mua siro và xông. Sau khi uống 2 liều thuốc cách ngày, trên cơ thể chị xuất hiện ban đỏ và chị nghĩ đó là phản ứng dị ứng thuốc.
Ngay lập tức, gia đình đưa chị vào bệnh viện. Sau 2 ngày nhập viện, chị cảm thấy mệt mỏi và khó thở, bác sĩ đã phải sử dụng máy trợ thở cho chị.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, chồng chị Đỗ Thị Hà, chăm sóc vợ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, đây không phải là trường hợp phụ nữ mang thai mắc sởi duy nhất phải nhập viện điều trị tại bệnh viện.
Chỉ trong vòng một tuần qua, bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca mắc sởi ở thai phụ, cả hai đều có biến chứng.
Bác sĩ Hoan cho biết thêm, trong thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ giảm sút, làm tăng nguy cơ mắc bệnh sởi. Khi đó, cả mẹ và thai nhi đều phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm và tỉ lệ tử vong cũng tăng lên.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo trước khi mang thai, phụ nữ cần tiêm vắc-xin sởi. Nếu chưa tiêm, thai phụ có thể tiêm vắc-xin ngay sau khi sinh. Vắc-xin này không chỉ giúp bảo vệ mẹ mà còn giúp bảo vệ em bé khi mẹ cho con bú.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Bệnh viện nhi quá tải
Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến ngày 1/12, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 3.300 ca mắc sởi, 2 trường hợp tử vong. Trung bình, mỗi ngày tỉnh Đồng Nai ghi nhận 90 ca mắc sởi, trong đó 95% bệnh nhân đã được tiêm vắc-xin sởi, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi.
Dịch sởi gia tăng đã khiến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai rơi vào tình trạng quá tải. Vấn đề này không chỉ dừng ở việc quá tải giường bệnh, mà nhân lực để phục vụ cho việc chăm sóc bệnh nhi cũng thiếu hụt, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng.
Nhiều trường hợp từ dịch sởi biến chứng sang viêm phổi nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Ngày 3/12, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ThS.BSCK2 Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết, do lượng số người mắc bệnh sởi nhập viện ngày càng tăng, nên bệnh viện đã chia ra 2 khu vực, khu vực điều trị bệnh thông thường và khu vực điều trị bệnh sởi đề phòng lây lan.
"Hiện tại chúng tôi đã điều động đội ngũ cán bộ điều dưỡng có kinh nghiệm, chuyên môn cao về điều trị bệnh sởi về Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng và khu vực điều trị nhiệt đới", ThS.BSCK2 Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Theo ThS.BSCK2 Nguyễn Trọng Nghĩa, hiện 20 bác sĩ và 50 điều dưỡng đang chăm sóc cho khoảng 250 bệnh nhân đang điều trị. Hôm nay, bệnh viện đã chuẩn bị thêm 1 tầng lầu chứa khoảng 50 giường gắn đầy đủ thiết bị.
Sau khi Bệnh viện có công văn gửi đến Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xin tăng cường nhân lực điều dưỡng phục vụ công tác chăm sóc bệnh nhân sởi, ngày mai (4/12), Sở Y tế sẽ điều động thêm 10 điều dưỡng về hỗ trợ.
Nhiều trẻ sơ sinh mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có đề nghị các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, BVĐK khu vực Long Thành, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Phổi và Trung tâm Y tế Tp.Biên Hòa, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom tăng cường nhân lực điều dưỡng cho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong 1 tháng hoặc đến khi lui dịch.
Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch sởi, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch lan rộng trên địa bàn tỉnh, hạn chế số ca mắc và ca tử vong, ngày 2/12, UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi công văn khẩn, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người bệnh, người nhà, nhân viên y tế về phòng, chống bệnh sởi.
Anh Trọng