Hình minh họa do AI thực hiện.
Tại kỳ họp thứ 27, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X đã thông qua Nghị quyết số 28/NQ-HĐND về việc thống nhất chủ trương giao Ủy ban nhân dân TP.HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành.
Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết này theo quy định. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các ban, các tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc triển khai, thực hiện nghị quyết.
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên giám sát và vận động nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện nghị quyết, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đang được nghiên cứu thực hiện là tuyến đường sắt đô thị, chiều dài khoảng 42 km, thiết kế đường đôi, khổ đường 1.435mm, tốc độ thiết kế 120 km/h với 20 ga, vận chuyển hành khách nội - ngoại ô từ TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đến sân bay Long Thành.
Tháng 4 vừa qua, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành.
Theo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, có 4 tuyến đường sắt phục vụ kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành gồm: 3 tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2, số 4, số 6 và tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm - Long Thành.
Hiện, 3 tuyến metro đang được TP.HCM nghiên cứu, ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 188/2025/QH15 (ngày 19/2/2025).
Căn cứ quy định của Luật Đường sắt năm 2017, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Xây dựng; địa phương có trách nhiệm tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư 355 km hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188 của Quốc hội. Trường hợp triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành (sơ bộ tổng mức đầu tư gần 3,4 tỷ USD) theo hình thức đầu tư công, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Song song đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 188. Từ đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung để thuận lợi trong quá trình triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố.
Thanh Thủy