Hiện nay, Đồng Nai đang chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Thực tế, diện tích trồng cà phê ở Đồng Nai không còn nhiều nhưng nhiều DN chọn Đồng Nai làm địa bàn đặt các kho, nhà máy sơ chế, chế biến sâu cà phê để xuất khẩu. Vì thế, tỉnh trở thành một trong những “thủ phủ” cà phê của khu vực phía Nam. Riêng Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) đặt 3 nhà máy sản xuất cà phê tại Đồng Nai và sản phẩm đưa đi xuất khẩu qua gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây cũng là DN có sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu lớn nhất tại Đồng Nai.
Theo các DN, Đồng Nai là trung tâm giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên đặt nhà máy sản xuất cà phê tại đây rất thuận lợi cho việc đưa hàng hóa đi tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Một số DN dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy sản xuất cà phê tại Đồng Nai. Như vậy, trong những năm tới, xuất khẩu cà phê của Đồng Nai có thể tiếp tục đạt những kỷ lục mới. Đồng thời, nhiều DN đang chuyển dần từ xuất khẩu hạt cà phê thô sang chế biến thành sản phẩm, nâng cao giá trị cho hạt cà phê Việt Nam.
Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay tăng cao còn do giá cà phê thế giới đã tăng gấp 3 lần so với giữa năm 2023. Cụ thể, giá hạt cà phê nông dân bán cho các đại lý, DN trên 110 ngàn đồng/kg, có thời điểm giá cà phê vượt 120 ngàn đồng/kg.
Tại Đồng Nai, trước đây, diện tích cà phê có thời điểm lên đến hơn 10 ngàn hécta nhưng diện tích hiện đã giảm nhiều. Nguyên nhân là do những năm trước, giá cà phê giảm sâu, có thời điểm chỉ 34-35 ngàn đồng/kg, nông dân không có lợi nhuận; nhiều nông dân đã chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng cây ăn trái cho lợi nhuận cao hơn.
Theo các chuyên kinh tế, giá nông sản sẽ tăng - giảm theo chu kỳ, nông dân không nên chạy theo cây trồng có giá, mà nên chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng, liên kết sản xuất sạch theo chuỗi. Như vậy đầu ra sẽ ổn định và dễ dàng bán giá cao.
Khánh Minh