Trong bối cảnh Mỹ áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô và linh kiện của quốc gia này đang ráo riết tìm kiếm những thị trường “thân thiện hơn về thuế quan”, trong đó Đông Nam Á được coi là đích đến ưu tiên.
Nhà máy mới khánh thành tại Thái Lan của hãng ô tô Trung Quốc BYD. Ảnh: Reuters.
Theo nhận định của tờ CIMB Securities, Malaysia có thể trở thành điểm đến chủ chốt, khi mức thuế tại đây thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu.
Các mẫu ô tô Trung Quốc giá cạnh tranh sẽ ồ ạt đổ vào Malaysia, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận đa dạng sản phẩm, đặc biệt là công nghệ xe điện tiên tiến, nhưng đồng thời cũng gia tăng sức ép mạnh mẽ lên các thương hiệu nội địa và các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đang hoạt động tại thị trường này.
Tại Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã cam kết đầu tư hơn 1,44 tỷ USD để thiết lập cơ sở sản xuất xe điện, hướng tới khai thác tiềm năng thị trường đang tăng trưởng nhanh (chiếm gần 55% doanh số xe điện khu vực trong quý I/2025, theo Reuters).
Điển hình như BYD, nhà sản xuất xe điện hóa số một Trung Quốc, đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại tỉnh Rayong vào tháng 7/2024, cho thấy sự rốt ráo trong việc chuyển giao công nghệ và mở rộng mạng lưới sản xuất ngay tại châu Á.
Không chỉ ô tô hoàn chỉnh, các nhà cung ứng linh kiện và doanh nghiệp sản xuất phụ tùng cũng đang dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sang Đông Nam Á.
Kể từ khi làn sóng thuế quan mới bắt đầu được hé lộ, nhiều công ty đã chủ động dời nhà máy khỏi Trung Quốc, chuẩn bị đón đầu kịch bản thuế quan 145% của chính phủ Mỹ.
Thực tế này được xác nhận qua việc các khu công nghiệp trong khu vực ghi nhận làn sóng đơn đặt hàng từ Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Nhìn về tương lai, các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu tại Đông Nam Á sẽ cần điều chỉnh chiến lược, từ tăng cường đầu tư liên doanh cho đến đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, nhiều quốc gia ASEAN đang tận dụng cơ hội tái công nghiệp hóa, phát triển “chiến lược Trung Quốc + 1” để thu hút làn sóng đầu tư mới.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc tận dụng hiệu quả cơ hội này không hề đơn giản, khi các công ty phải cân bằng yêu cầu về thuế, ưu đãi đầu tư và lợi ích kinh tế thực tế.
Theo dự báo của Roland Berger, thị phần của các hãng ô tô Trung Quốc tại Đông Nam Á có thể tăng từ 6% năm 2023 lên khoảng 13% vào năm 2030, đồng nghĩa với một cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong khu vực.
Chí Vũ