Đông Nam Bộ 'hút' nhà đầu tư

Đông Nam Bộ 'hút' nhà đầu tư
4 giờ trướcBài gốc
Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Công nhân làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Trong thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đang triển khai nhiều chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư thành công.
Tính đến cuối tháng 4/2025, tỉnh Đồng Nai đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 3,4 tỷ USD. Các doanh nghiệp thành lập tại Đồng Nai có vốn đăng ký khoảng 20 tỷ USD.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng Đồng Nai luôn là điểm đến được nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới chọn lựa. Tỉnh luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đến nay, Đồng Nai đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ vào đầu tư. Các doanh nghiệp FDI góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng cao và trở thành một trong 6 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, mỗi năm các doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai đóng góp cho ngân sách nhà nước trên dưới 1 tỷ USD.
Xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Nai xây dựng những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh lên doanh nghiệp. Tỉnh tập trung giải quyết các điểm nghẽn, các nút thắt, rào cản để tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Bởi kinh tế tư nhân đóng góp hơn 60% nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Đồng Nai cũng cam kết xây dựng môi trường đầu tư bền vững, khuyến khích các doanh nghiệp FDI áp dụng công nghệ hiện đại và tham gia vào chuỗi cung ứng xanh nhằm đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Không chỉ tăng về số lượng, các dự án đầu tư vào tỉnh ngày càng có chất lượng cao hơn, thông minh và bền vững hơn. Nhiều tập đoàn lớn, có thương hiệu toàn cầu như Lego, Pandora, Warburg Pincus, Sembcorp Tokyu, CapitaLand Development,… góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của kinh tế Bình Dương.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất yên xe đạp xuất khẩu tại Công ty Pro Active Global Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan(Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Đại Năng (Bình Dương). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Trong 4 tháng từ đầu năm 2025, Bình Dương thu hút hơn 737 triệu USD vốn FDI, tăng 271% so cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế đến nay, Bình Dương có 4.488 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 42,6 tỷ USD. Đặc biệt, khu công nghiệp VSIP 3 (tại thành phố Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên) đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn chất lượng cao với quy mô 1.000 ha và tổng vốn đầu tư 13.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Lego Việt Nam trị giá hơn 1,3 tỷ USD đã chính thức đi vào hoạt động đầu tháng 4/2025, tạo thêm hơn 4.000 việc làm và mở ra cơ hội tiếp cận kỹ năng sản xuất hiện đại cho lao động trẻ. Hãng trang sức Pandora (Đan Mạch) cũng đang gấp rút xây dựng nhà máy thứ ba trên thế giới tại đây, dự kiến đi vào hoạt động năm 2026 với vốn đầu tư hơn 150 triệu USD.
Với bối cảnh cả nước đang tái cấu trúc nền kinh tế và khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng doanh nghiệp tại Bình Dương là một bước tiến tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong triển khai các dự án, tỉnh Đồng Nai tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin về đất đai, quy hoạch, các chính sách, thủ tục đầu tư. Tỉnh dự kiến triển khai thêm nhiều khu công nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh.
Năm 2025, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên vùng của tỉnh Đồng Nai đã và đang được tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến cao tốc như Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh,… Những dự án này không chỉ cải thiện khả năng kết nối vùng mà còn giảm thời gian vận chuyển, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả kinh doanh.
Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đang trong quá trình xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 40 km về phía Đông. Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn thành, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành 48 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 18.400 ha. Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển ba nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin,…
Tại tỉnh Bình Dương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho dòng vốn FDI, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối vào các khu công nghiệp mới như VSIP 3. Tuyến đường ĐT746 đang được nâng cấp để liên kết với các trục giao thông chiến lược như: Vành đai 4 - TP Hồ Chí Minh, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, từ đó rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa đến cảng biển, sân bay quốc tế và các trung tâm logistics lớn.
Bình Dương cũng đang xúc tiến xây dựng khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ do Tập đoàn Trường Hải (THACO) làm chủ đầu tư, với quy mô 786 ha, vốn đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng, đặt tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên. Đây là khu công nghiệp chuyên sâu, hướng đến thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao và cam kết bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, hiện đại hóa các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp thông minh, tạo điều kiện tối ưu cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Tỉnh cũng đang ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, năng lượng sạch và đổi mới sáng tạo.
Với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025, tỉnh xác định công nghiệp vẫn là động lực chủ lực. Các chính sách thu hút FDI đang tập trung theo hướng cải thiện môi trường đầu tư, phát huy lợi thế địa lý, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đặc biệt, Bình Dương là địa phương tiên phong ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp,…
Hồng Đạt (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-nam-bo-hut-nha-dau-tu-20250510082150706.htm