Nhiều người than vãn trong tuần đầu đi làm trở lại sau Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
8h sáng có mặt tại văn phòng, gần 21h mới về đến nhà, không có khái niệm cuối tuần vì phải ôm laptop xử lý công việc nguyên ngày thứ 7. Đó là lịch làm việc của Phương Nga (28 tuổi, TP.HCM) trong tuần đầu đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán.
Phòng kinh doanh của Nga có 10 nhân viên, nhưng hiện tại gần một nửa vẫn ở quê, xin làm việc từ xa. Riêng bộ phận của cô có 3 người phụ trách, một người đã xin nghỉ phép để đi du xuân với gia đình đến hết ngày 9/2.
Nga nói rằng việc công ty tạo điều kiện hơn cho các nhân viên ở xa hoặc đã có gia đình, con cái khiến những người độc thân sống ở TP.HCM như cô áp lực hơn sau kỳ nghỉ lễ. Khối lượng công việc hiện tại của cô gần gấp đôi so với bình thường.
“Nhưng tôi không thể phàn nàn gì vì thực tế những ngày trong năm các đồng nghiệp cũng hỗ trợ khá nhiều nếu tôi có việc xin nghỉ”, nhân viên 28 tuổi chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều nhân viên vẫn còn thoải mái, đến công ty chỉ để nhận lì xì đầu năm, không đặt nặng vấn đề về công việc. Một số doanh nghiệp còn hỗ trợ nhân viên ở quê xa làm việc tại nhà. Tuy nhiên, cũng không ít nhân sự như Nga rơi vào tình trạng "ngập đầu" trong công việc ngay từ những ngày đầu xuân.
Vừa chăm con ăn, vừa làm việc
Lượng công việc trong ngày đầu đi làm "khai xuân" cũng khiến Như Ý (26 tuổi, nhân viên marketing tại TP.HCM) khó bắt nhịp lại như cũ. Đặc thù ngành marketing là nhanh chóng và liên tục, nên mọi thứ phải xử lý ngay lập tức, không thể trì hoãn.
Ngày đầu làm việc, Như Ý phải tham gia cuộc họp đánh giá và bàn kế hoạch triển khai cho quý 1 năm mới. Cuộc họp kéo dài hàng giờ đồng hồ khiến nhân viên marketing cảm thấy bị choáng. Cô còn phải ghi chép, phân tích, đưa ra ý kiến trong khi tâm trí vẫn còn nằm ở những ngày nghỉ lễ.
Cô chia sẻ: "Sau kỳ nghỉ, công việc của mình quay trở lại một cách 'siêu nhanh chóng'. Khối lượng không thay đổi nhiều, nhưng do đã quen với nhịp nghỉ ngơi, nên khi bắt đầu lại, tôi cảm thấy hơi ngợp vì phải xử lý công việc liên tục".
Như Ý cảm thấy ngộp thở với núi công việc sau Tết.
Sau khoảng một tuần, Như Ý đã dần quen với nhịp độ công việc như trước Tết.
Thời gian tan làm là 18h nhưng tới tận 19h chị Thủy (34 tuổi, nhân viên thu mua tại tiệm cà phê) vẫn ngồi trong văn phòng với xấp giấy đề nghị thanh toán, dò chi phí kiểm tra nhập hàng.
Thời gian sau kỳ nghỉ Tết với chị không khác gì "ác mộng". Khách hàng ào ạt kéo đến nhưng nguyên liệu để làm cà phê lại thiếu do một vài nhà cung cấp chưa hoạt động. "Tôi phải tìm kiếm nhà cung cấp khác để cầm chừng. Điện thoại reo liên tục mà việc nào cũng gấp. Thật chỉ mong có thêm vài ngày nữa để nghỉ xả hơi", chị chia sẻ.
Lịch nghỉ Tết đến hết ngày 2/2, nhưng từ ngày 1/2, chị Thủy đã phải lao vào xử lý những việc gấp. Công việc thường ngày là ngồi viết báo cáo xuất nhập kho, kết ca nên dù trong thời gian nghỉ, chị vẫn phải làm việc để quá trình vận hành diễn ra suôn sẻ.
"Nhiều lúc tôi phải ngồi ngay tại góc bàn ăn, vừa chăm con ăn, vừa nhìn vào màn hình máy tính", chị kể.
Việc cũ chưa xong, việc mới đã tìm tới
Tuần đầu làm việc của Thành Nam (25 tuổi, nhân viên account) không có thêm công việc mới. Thay vào đó, Nam giải quyết những công việc còn tồn đọng trước Tết. Anh cho biết chúng không quá khó nhưng số lượng rất nhiều, tốn thời gian, 8 tiếng/ngày là không đủ để làm hết.
Ngoài ra, công việc của Nam thường liên quan tới các KOC/KOL - nhiều người trong số này vẫn đang trong giai đoạn "nghỉ Tết sâu đậm". Điều này khiến nhiều đầu việc bị trì hoãn, gây ra không ít khó khăn và áp lực.
Thành Nam lo lắng giai đoạn trì hoãn sau Tết có thể ảnh hưởng đến KPI của anh.
Anh phải liên tục thương lượng lại với khách hàng, giải thích về tình trạng "delay" và đề xuất các phương án dự phòng. Việc này không chỉ đòi hỏi sự khéo léo trong giao tiếp mà còn cần linh hoạt để đảm bảo uy tín của công ty và giữ chân khách hàng.
"Còn vương vấn Tết là điểm khiến tôi khá đau đầu vì thật sự tôi chưa sẵn sàng để làm việc. Tinh thần chưa mấy bắt đầu, nhưng phải làm lại ngay sau khi đến công ty nên hầu như công việc đều chậm chạp. Deadline bị chậm thì nghiệm thu cũng bị kéo xa hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến KPI của tôi", Thành Nam bày tỏ.
Hoàng Quân (29 tuổi, trưởng phòng thiết kế tại một công ty quảng cáo) cũng không ngoại lệ. Tuần đầu đi làm, anh phải xử lý các dự án khách hàng phản hồi trong Tết.
"Sau kỳ nghỉ Tết 9 ngày, công việc tồn đọng chắc có thể 'nhấn chìm' tôi luôn. Vừa phải giải quyết một loạt phản hồi từ khách hàng trong dịp Tết, vừa phải nhận thêm các dự án mới cho công ty".
Hơn thế, việc phân công nhiệm vụ cho nhân viên cấp dưới cũng là thử thách lớn vì ai cũng đang loay hoay quay lại nhịp làm việc bình thường.
Quân kể có hôm phải tăng ca đến tận 22h nhưng công việc vẫn chưa xong, đành mang về nhà tiếp tục xử lý. Sáng hôm sau đến công ty, trong lúc kiểm tra lại file thiết kế gửi khách, anh tá hỏa phát hiện sai sót suýt khiến cả nhóm bị sếp trách mắng.
"May mà tôi kịp chỉnh sửa vào phút chót, nhưng đó thực sự là bài học nhớ đời về việc kiểm soát khối lượng công việc sau kỳ nghỉ", Quân chia sẻ.
Minh Vũ
Ảnh: NVCC