Dòng người chen chân trong đêm Khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa

Dòng người chen chân trong đêm Khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa
4 giờ trướcBài gốc
Đêm 11 và rạng sáng ngày 12-2 (tức ngày 14 và tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025, tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Đền thờ Trần Hưng Đạo tại xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội Đền thờ Trần Hưng Đạo Xuân Ất Tỵ 2025.
Lễ hội Đền thờ Trần Hưng Đạo được tổ chức với các nghi thức truyền thống như tế Nam quan, tấu chúc văn, dâng hương, khai ấn.
Các nghi thức được thực hiện trong không khí trang nghiêm.
Dự Lễ Khai ấn có lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt có hàng ngàn du khách thập phương, người dân đã đến dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Lễ Khai ấn đền Trần là ghi nhớ sâu sắc truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó động viên cán bộ và nhân dân và du khách thập phương tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông để xây dựng đất ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ông Lê Đức Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thực hiện nghi thức khai ấn Đền Trần Hưng Đạo cầu mong quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh.
Lễ Khai ấn đền Trần là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.
Ngay sau lễ Khai ấn đền Trần, Ban quản lý Đền Trần đã thực hiện lễ hồi kiệu ấn.
Ngay sau đó lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thực hiện phát ấn trực tiếp cho nhân dân trong vùng và du khách thập phương ngay tại đền với mong muốn mọi người, mọi nhà luôn được ấm no, hạnh phúc.
Trong ảnh là ông Lê Đức Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát ấn cho người dân.
Ghi nhận của PLO, người dân và du khách thập phương xếp hàng dài từ bên ngoài đền để chờ được vào nhận những lá ấn đầu tiên.
Mặc dù hàng ngàn người đợi từ rất sớm để được xin ấn, nhưng không xảy ra tình trạng xáo trộn.
Nhiều người dân lẫn du khách chờ đợi để đến lượt vào đền nhận ấn.
Phía bên ngoài đền nhiều người xếp hàng để chờ đến lượt.
Trong khi công tác bảo đảm an ninh an toàn cho người dân, du khách trong đêm khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa cũng được huy động lên đến hàng trăm cán bộ chiến sĩ.
Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung cho biết, trong những ngày tới Ban Quản lý Đền thờ Trần Hưng Đạo tiếp tục thực hiện phát ấn, cũng như đảm bảo đủ ấn để phát cho cho dân dân và du khách.
Đền Thổ Khối (hay Đền thờ Trần Hưng Đạo) là ngôi đền đặc biệt trên đất xứ Thanh, nơi đã chở che và in đậm dấu chân của vị anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại vương và vua Trần trong Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai vào mùa xuân năm 1285.
Trước sức mạnh của đội quân xâm lược Nguyên Mông, Hưng đạo Đại vương bằng tài trí, mưu lược đã đưa triều đình từ Thiên Trường vượt biển vào đất Thanh Hóa tìm địa bàn chiến lược để lui binh chờ thời cơ phản công; và mảnh đất Tam Giang - Thổ Khối, nơi hội tụ của 3 dòng sông: Tống Giang, Hoạt Giang và Lũng Khê chính là nơi được Hưng đạo Đại vương lựa chọn làm căn cứ để bảo vệ cho sự an toàn của triều đình và tập trung củng cố, xây dựng lực lượng.
Trong những ngày tháng ở đây, Hưng đạo Đại vương đã cùng vua Trần hòa mình với Nhân dân, được Nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng; trai tráng trong vùng tấp nập theo về gia nhập đại quân. Chỉ trong một thời gian ngắn, đại quân đã được kiện toàn, thẳng tiến ra Bắc với những chiến thắng lẫy lừng như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết... giải phóng đất Thăng Long, đưa Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau khi Hưng đạo Đại vương mất, để tỏ lòng kính trọng, tri ân, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất mà ngài cùng với vua Trần đã đóng quân. Đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Đây là Đền thờ Trần Hưng Đạo lớn nhất ở Thanh Hóa còn giữ được nhiều di vật, hiện vật cổ.
ĐẶNG TRUNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/dong-nguoi-chen-chan-trong-dem-khai-an-den-tran-o-thanh-hoa-post833856.html