Đồng Pi biến động mạnh trước giờ 'mở mạng': Ai định giá, và minh bạch đến đâu?

Đồng Pi biến động mạnh trước giờ 'mở mạng': Ai định giá, và minh bạch đến đâu?
một ngày trướcBài gốc
Trước giờ 'mở mạng'
Từ khi ra đời, Pi Network được quảng bá có thể được khai thác dễ dàng mà không tốn nhiều năng lượng thông qua giao thức đồng thuận Stellar. Tuy nhiên, một điểm gây tranh cãi lớn nhất là việc mã nguồn của Pi Network không được công khai.
Hệ sinh thái Pi Network hiện bao gồm một ứng dụng di động cho phép người dùng khai thác Pi trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, hoạt động khai thác được xem là phân phối, vì số Pi đã được khai thác trước đó và ứng dụng không chạy thuật toán hoặc giao thức đồng thuận. Số lượng Pi khai thác giảm đi một nửa khi số người dùng tăng lên gấp mười lần. Để tăng số Pi khai thác, người dùng có thể giới thiệu thêm người dùng thông qua mô hình tiếp thị liên kết.
Mới đây, đội ngũ Pi Network đã thông báo về quá trình Open Network (mở mạng), đối với đồng tiền ảo này vào chiều nay (ngày 20/2). Thuật ngữ này trong ngữ cảnh của Pi Network có nghĩa là quá trình chuyển đổi từ mạng thử nghiệm (testnet) sang mạng chính thức (mainnet).
"Nhờ sự nỗ lực và cam kết của cộng đồng Pi trong 6 năm qua, chúng tôi đang thực hiện bước tiến lớn tiếp theo trong việc hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái ngang hàng và trải nghiệm trực tuyến toàn diện", Pi Network thông báo trên mạng xã hội X và cả ứng dụng Pi Network.
Theo những bài viết gần đây trên BeInCrypto (trang chuyên cập nhật thông tin về tiền điện tử), “quá trình chuyển đổi sang mainnet là bước quan trọng để đồng Pi trở thành một đồng tiền có thể giao dịch trên các sàn lớn”.
Một số sàn giao dịch khác sau đó cũng đã phát đi thông báo rằng sẽ hỗ trợ để Pi Network được niêm yết. Tuy nhiên, các thông tin bên lề đều cho rằng đồng Pi sẽ được niêm yết theo một cơ chế đặc biệt. Đó là khi sàn giao dịch Bitget thông báo được đội ngũ Pi Network yêu cầu hạn chế người dùng gửi hoặc giao dịch đồng Pi, tại một số quốc gia, khu vực nhất định.
"Theo yêu cầu từ đội ngũ Pi Network, đồng Pi sẽ được áp dụng chế độ niêm yết cô lập (Isolated Listing Mode). Người dùng tại một số quốc gia và khu vực sẽ không thể nạp tiền và giao dịch đồng Pi", một thông báo được sàn giao dịch OKX chính thức đưa ra.
Dù chưa được niêm yết hay giao dịch trên các sàn, thế nhưng trên các hội nhóm về Pi Network, nhiều người liên tục đăng bài thu gom Pi số lượng lớn. Điều này đã nhanh chóng "thổi" mức giá giao dịch của đồng Pi Network từ khoảng 20.000 đồng lên mức 50.000-60.000 đồng cho mỗi Pi (token).
Tuy vậy, cần lưu ý rằng mức giá trên là mức giá giao dịch đồng thuận tại thị trường "chợ đen". Đây không phải là giá trị thật của đồng Pi sau khi niêm yết. Do đó, điều này có thể dẫn đến rất nhiều rủi ro đối với những người có tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bỏ lỡ cơ hội).
Đồng Pi có minh bạch?
Theo CCN, chặng đường phát triển của Pi Network có thể nói là "ngoạn mục", với hơn 60 triệu người dùng trên toàn thế giới (số liệu Pi Network công bố) được cho là đang tham gia vào việc nhấn nút hàng ngày để khai thác đồng Pi trên điện thoại thông minh của họ. Sức hấp dẫn nằm ở sự đơn giản khi khai thác tiền điện tử mà không cần tiêu thụ năng lượng cao, chuyên môn kỹ thuật hoặc thiết bị tốn kém.
Người dùng có thể bắt đầu khai thác chỉ với một thiết bị di động, điều này vừa tiết kiệm chi phí vừa cực kỳ thân thiện với người mới bắt đầu, vì nó không yêu cầu kiến thức về công nghệ blockchain hoặc thiết lập phức tạp.
Tuy nhiên, “liệu Pi có thực sự dân chủ hóa việc khai thác tiền điện tử hay người dùng chỉ là những con tốt trong một hệ thống lợi dụng lòng tin chung của họ?”, CCN bày tỏ sự nghi ngờ.
Ảnh: Pi Network.
CCN thống kê, trong một thông cáo báo chí ngày 28/6/2024, Pi Network thông báo rằng họ có hơn 60 triệu người dùng, trong đó 12 triệu người đã được xác minh KYC, có nghĩa là họ là những cá nhân đã được xác thực.
Sau đó, vào tháng 12/2024, Pi Network đã cập nhật rằng số lượng người dùng đã được xác minh KYC đã tăng lên 18 triệu. Bất chấp sự tăng trưởng ấn tượng, các câu hỏi vẫn còn về tính chính xác của những con số này, đặc biệt khi so sánh với dữ liệu blockchain thực tế.
Thoạt nhìn, sự hiện diện trên mạng xã hội của Pi Network có vẻ đáng kể, với 111.000 người theo dõi trên Reddit, 2,9 triệu trên Telegram, 3,5 triệu trên Twitter và 1,65 triệu trên YouTube. Tuy nhiên, những con số này dường như không phù hợp với cơ sở người dùng khổng lồ mà họ tuyên bố.
CCN cũng khẳng định, không có cách xác định chắc chắn 60 triệu người dùng nếu không dựa vào tuyên bố của Pi Network. Lựa chọn duy nhất khác là kiểm tra dữ liệu blockchain từ các trình khám phá Pi Network khác nhau.
Thống kê trên ExplorePi và Pi Door, CCN cho biết ExplorePi hiển thị hơn 9,11 triệu người dùng, một con số được cập nhật cho tháng 1/2025, trong khi Pi Door cho thấy khoảng 6,15 triệu ví từ tháng 10/2024. Điều đáng chú ý là vào thời điểm cập nhật báo cáo, trang web Pi Door đã gặp sự cố, với các con số liên tục tải nhưng không hiển thị đầy đủ.
Mặc dù vậy, sự khác biệt vẫn rõ ràng. Với 60 triệu người dùng, chỉ có khoảng 9,11 triệu ví tồn tại, chỉ chiếm 15% tổng cơ sở người dùng.
Ngoài ra, Pi hiện đã thay đổi cách báo cáo số lượng người dùng, không chỉ tập trung vào tổng cơ sở người dùng và người dùng đã được xác minh KYC mà còn cả những người dùng đã chuyển sang Mainnet. Theo một bài đăng trên X vào tháng 12/2024, Pi báo cáo có 8 triệu người dùng đã chuyển sang Mainnet. Với con số hiện tại là 9,11 triệu, sự khác biệt trong hơn một tháng có vẻ hợp lý và cho thấy sự tiến triển ổn định trong việc di chuyển.
Tuy nhiên, vẫn còn đáng lo ngại khi ví Mainnet chỉ chiếm 51% số người dùng đã được xác minh KYC, một tỷ lệ không thay đổi kể từ tháng 10/2024. “Vậy, hàng triệu người còn lại ở đâu?”, CCN đặt câu hỏi.
Sự không nhất quán của cơ sở người dùng Pi Network. Nguồn: CCN, Pi Network, ExplorePi.
Ngoài ra, chỉ khoảng 20.000 ví thể hiện hoạt động hàng ngày, cho thấy khoảng cách đáng kể giữa mức độ tương tác được báo cáo và thực tế. "Trong thế giới tiền điện tử, sự khác biệt trong số liệu thống kê người dùng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hợp pháp được nhận thức", trang OneSafe nêu quan điểm tương tự. "Sự thiếu trung thực có thể làm xói mòn lòng tin, khiến người dùng tiềm năng cảnh giác".
Ví hoạt động hàng ngày trên Mạng lưới Blockchain. Nguồn: CCN, Artemis Terminal, ExplorePi.
Hệ sinh thái còn kém phát triển
Trang CCN cũng đặt câu hỏi: “Pi Network là một cơ hội thực sự hay một ảo ảnh được ngụy trang khéo léo?”, xuất phát ở 3 yếu tố chính: Tiềm năng đầu tư, cam kết thời gian và rủi ro bảo mật.
Một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất là khái niệm "khai thác" của Pi Network, bởi nó khác biệt so với cách hiểu thông thường. Thay vì tham gia vào quá trình xác thực giao dịch hay bảo mật mạng, người dùng chỉ đơn thuần chạm vào màn hình mỗi ngày để nhận Pi đã được đúc sẵn. Vậy Pi Network đã làm gì để giữ chân người dùng?
“Họ đã khéo léo tận dụng thói quen hàng ngày bằng cách khuyến khích người dùng thực hiện một hành động đơn giản để nhận phần thưởng, từ đó hình thành một thói quen khó bỏ”, CNN phân tích.
Bên cạnh đó, yếu tố xã hội cũng được khai thác triệt để, khi việc mời bạn bè và xây dựng mạng lưới tạo cảm giác thuộc về. Hiệu ứng tài sản cũng đóng vai trò quan trọng, khiến người dùng cảm thấy gắn bó và sở hữu với số Pi ngày càng tăng.
Cuối cùng, sai lầm chi phí chìm khiến người dùng càng đầu tư thời gian càng khó bỏ cuộc, luôn nuôi hy vọng vào giá trị tương lai.
Một vấn đề đáng quan ngại là Pi Network dường như bỏ qua vấn đề lạm phát, trong khi nguồn cung Pi đã tăng nhanh chóng, làm dấy lên lo ngại về sự mất giá trị. Giá trị IOU ("I own you" - Tôi nợ bạn) của Pi, hiện đang giao dịch khoảng 40 USD trên sàn HTX, không phản ánh giá trị sử dụng thực tế của nó. Dựa trên nguồn cung hiện tại, vốn hóa thị trường đầu cơ của Pi đã đạt đến mức phi lý, tương đương với các loại tiền điện tử đã có tên tuổi như Ethereum. Điều này cho thấy giá trị thực tế của Pi có thể thấp hơn rất nhiều, thậm chí chỉ còn vài cent sau khi quá trình khai thác kết thúc.
Những rủi ro về bảo mật cũng được thể hiện rõ trong sự chậm trễ trong việc ra mắt Mainnet và phương pháp khai thác trên điện thoại di động đặc biệt của Pi, có thể cho thấy các vấn đề tiềm ẩn hoặc báo hiệu phương pháp tiếp cận cẩn thận, có phương pháp cần thiết để xây dựng một thứ gì đó đột phá.
Về vấn đề KYC, theo CoinTelegraph, quy trình KYC bắt buộc của dự án gây lo ngại đáng kể về quyền riêng tư, do người dùng được yêu cầu gửi dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm video selfie và giấy tờ tùy thân do chính phủ cấp. Dữ liệu được xử lý bởi các trình xác thực khu vực hoặc chính người chơi tự đăng ký làm nhà xác thực, làm tăng nguy cơ bị sử dụng sai mục đích hoặc đánh cắp danh tính.
Trước đó, giới chuyên gia khuyến cáo Pi hoàn toàn thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain khi khá ít thông tin về đội ngũ đứng sau. Riêng ứng dụng trên smartphone yêu cầu nhiều quyền truy cập danh bạ của người dùng. Ngoài ra, nếu tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc máy chủ tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn.
Trong một thông báo phát đi trước đây, UBCKNN đã có khuyến cáo đối với nhà đầu tư về việc hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dạng tài sản số, tiền mã hóa.
“Các loại tiền kỹ thuật số như Pi, USDT, BUSD,.. không phải là chứng khoán và việc mua bán các loại tiền kỹ thuật số nêu trên của nhà đầu tư chưa được pháp luật quy định”, văn bản UBCKNN nêu rõ.
Trang Mai
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/dong-pi-bien-dong-manh-truoc-gio-mo-mang-ai-dinh-gia-va-minh-bach-den-dau.html