"Đó không phải là lựa chọn khó khăn", Benjamin Mann nói trong một tập Lenny’s Podcast phát sóng hôm 20.7.
Lenny’s Podcast là podcast do Lenny Rachitsky, cựu giám đốc sản phẩm tại Airbnb, thực hiện.
Nội dung chính của podcast này tập trung vào kinh nghiệm thực tế trong khởi nghiệp, quản lý sản phẩm, tăng trưởng và lãnh đạo trong công nghệ. Khách mời thường là các giám đốc điều hành, nhà sáng lập, chuyên gia sản phẩm, kỹ sư hàng đầu từ Airbnb, Notion, Stripe, Google, Anthropic, OpenAI...
Nhiều công ty khởi nghiệp AI khác đã chứng kiến các nhân tài chủ chốt bị lôi kéo bởi mức lương thưởng khổng lồ.
"Tôi nghĩ chúng tôi ít bị ảnh hưởng hơn nhiều công ty khác trong lĩnh vực này vì nhiều người ở đây rất chú trọng đến sứ mệnh. Họ nhận được những lời đề nghị đó và nói: Tất nhiên là tôi sẽ không rời đi bởi kịch bản tốt nhất của tôi ở Meta là kiếm tiền, còn kịch bản tốt nhất của tôi ở Anthropic là ảnh hưởng đến tương lai nhân loại", Benjamin Mann cho hay.
Benjamin Mann khẳng định rằng ông không trách ai nhận lời sau những "siêu đề nghị" đó của công ty mẹ Facebook.
"Mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau", ông nói thêm.
Noam Brown, một trong những nhà nghiên cứu đứng sau những đột phá mới nhất của OpenAI trong lý luận toán học và khoa học phức tạp, từng chia sẻ với Reuters rằng mức lương thưởng không phải yếu tố quan trọng nhất với nhiều nhà nghiên cứu AI.
Noam Brown kể rằng khi tìm hiểu cơ hội việc làm vào năm 2023, ông đã được giới tinh hoa công nghệ săn đón: Ăn trưa với Sergey Brin (nhà đồng sáng lập Google), chơi poker tại nhà Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) và một nhà đầu tư háo hức ghé thăm bằng máy bay riêng. Cuối cùng, Noam Brown chọn OpenAI vì công ty sẵn sàng đầu tư nguồn lực cả về con người và sức mạnh điện toán, cho công việc mà ông đam mê.
“Thực ra đó không phải là lựa chọn tốt nhất về tài chính”, Noam Brown nói.
Benjamin Mann cho biết những lời đề nghị hấp dẫn từ Meta Platforms không đủ sức thu hút đội ngũ của Anthropic - Ảnh: Internet
Benjamin Mann đưa ra bình luận nêu trên trong bối cảnh các gã khổng lồ AI như Meta Platforms và OpenAI đang cạnh tranh khốc liệt để giành giật nhân tài, sẵn sàng trả mức lương thưởng cao ngất ngưởng cho các nhà nghiên cứu hàng đầu.
"Tôi khá chắc là chuyện đó có thật. Trả 100 triệu USD cho một cá nhân theo gói đãi ngộ 4 năm thật ra vẫn là rẻ nếu so với giá trị mà họ tạo ra cho công ty. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên quy mô lớn chưa từng có và mọi thứ chỉ càng trở nên điên rồ hơn", Benjamin Mann bình luận, ám chỉ đến khoản thưởng ký hợp đồng trị giá 100 triệu USD mà Meta Platforms đã đề nghị với các nhân tài AI.
Benjamin Mann cũng cho biết ông và một số lãnh đạo khác đã rời OpenAI năm 2020 để sáng lập Anthropic vì "an toàn không còn là ưu tiên hàng đầu ở đó".
Năm ngoái, một nhà nghiên cứu AI từng nói với tạp chí Fortune rằng gần 1/2 đội ngũ an toàn của OpenAI đã rời đi.
"Những người chủ yếu tập trung vào an toàn và sự sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) đang ngày càng bị gạt ra ngoài lề", Daniel Kokotajlo, nhà nghiên cứu về quản trị từng làm tại OpenAI, tiết lộ.
Thế nhưng, OpenAI khẳng định an toàn vẫn là trung tâm trong sứ mệnh của công ty này. "Trách nhiệm của chúng tôi là chuẩn bị cho các mối đe dọa bảo mật mới nổi với người dùng, khách hàng và cộng đồng toàn cầu. Điều này định hình mọi việc chúng tôi làm", OpenAI tuyên bố trên trang web.
OpenAI cho biết chatbot ChatGPT và các sản phẩm API (giao diện lập trình ứng dụng) của hãng thường xuyên được kiểm định bởi bên thứ ba để "phát hiện điểm yếu về bảo mật trước khi bị đối tượng xấu lợi dụng".
Như các CLB cạnh tranh để chiêu mộ siêu sao bóng đá
Các hãng công nghệ lớn từ lâu đã sẵn sàng chi mức đãi ngộ cao cho nhân tài AI ưu tú, nhưng làn sóng tuyển dụng hiện tại nâng mức độ cạnh tranh lên một tầm cao chưa từng có, theo các bản tin từ trang Insider.
Làn sóng bắt đầu khi Meta Platforms tuyển dụng Alexandr Wang, Giám đốc điều hành Scale AI, vào tháng 6 trong khuôn khổ thương vụ trị giá 14,3 tỉ USD để mua lại 49% cổ phần của công ty gán nhãn dữ liệu AI này.
Sau đó, Sam Altman tiết lộ rằng Meta Platforms đã cố gắng lôi kéo những nhân viên giỏi nhất của OpenAI bằng khoản thưởng ký hợp đồng 100 triệu USD.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, vào tháng trước thông báo rằng Alexandr Wang sẽ cùng Nat Friedman (cựu Giám đốc điều hành GitHub) dẫn dắt bộ phận mới của Meta Platforms mang tên Superintelligence Labs - tập trung xây dựng "siêu trí tuệ cá nhân cho mọi người". Trong bộ phận này, có hơn 10 nhà nghiên cứu AI kỳ cựu đến từ OpenAI, Google và Apple.
Trang Bloomberg cho biết Meta Platforms đưa ra đề nghị lương thưởng cực kỳ cao cho các thành viên mới của Superintelligence Labs, gồm cả gói hơn 200 triệu USD cho Ruoming Pang.
Meta Platforms đã tuyển dụng Ruoming Pang, kỹ sư từng đứng đầu nhóm mô hình AI của Apple, bằng gói lương thưởng hơn 200 triệu USD trong vài năm, theo Bloomberg.
Tại Apple, Ruoming Pang từng dẫn dắt một nhóm khoảng 100 người, chịu trách nhiệm về các mô hình ngôn ngữ lớn của công ty – nền tảng cho Apple Intelligence và các tính năng AI khác trên thiết bị của hãng.
Apple không cố gắng cạnh tranh với Meta Platforms để giữ chân Ruoming Pang bằng mức đãi ngộ đó, vì con số này vượt xa mức lương thưởng phổ biến tại hãng sản xuất iPhone, ngoại trừ Giám đốc điều hành Tim Cook.
Từ góc độ thuần túy về số liệu, đội ngũ Superintelligence Labs đang sở hữu mức đãi ngộ thuộc hàng cao nhất giới doanh nghiệp, thậm chí còn hơn cả vị trí giám đốc điều hành tại các ngân hàng lớn trên thế giới. Thế nhưng, phần lớn số tiền này được gắn với các mục tiêu hiệu suất và chỉ được giải ngân trong nhiều năm gắn bó, nghĩa là những nhân tài AI mới sẽ không nhận được toàn bộ số tiền nếu rời Meta Platforms sớm hoặc nếu cổ phiếu công ty tăng trưởng không tốt.
Gói đãi ngộ cho các thành viên Superintelligence Labs gồm lương cơ bản, tiền thưởng khi ký hợp đồng và cổ phiếu công ty, trong đó cổ phiếu là phần có giá trị lớn nhất. Lương và tiền thưởng khi gia nhập Meta Platforms thường là các khoản thanh toán đáng kể. Trong trường hợp ứng viên phải từ bỏ lượng lớn cổ phần tại công ty khởi nghiệp đang làm để gia nhập Meta Platforms, tiền thưởng khi ký hợp đồng có thể cao hơn để bù đắp cho khoản bị mất đó.
Về phần thưởng cổ phiếu, Meta Platforms có xu hướng ghi trong hợp đồng rằng các khoản thanh toán được gắn với các chỉ số cụ thể như cổ phiếu công ty tăng ít nhất tỷ lệ phần trăm nhất định trong một năm nào đó. Trong nhiều trường hợp, các nhân viên mới đồng ý ký hợp đồng với công ty mẹ Facebook dài hơn cả lịch trình 4 năm - khoảng thời gian phổ biến để được nhận đầy đủ phần thưởng cổ phiếu.
Cuộc chiến giành nhân tài AI hàng đầu được ví như các CLB cạnh tranh để chiêu mộ siêu sao bóng đá.
"Thất bại là điều không thể chấp nhận được với đội ngũ mới của Meta Platforms”
Trong một podcast phát sóng hôm 19.7, Aravind Srinivas (Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp Perplexity) nói các hãng công nghệ lớn cần đảm bảo rằng nhân viên được thúc đẩy không chỉ bởi tiền bạc mà còn vì sứ mệnh.
"Bạn đang đối mặt với những thách thức mới. Bạn cảm thấy mình đang phát triển rất nhiều và học được nhiều điều mới. Bạn cũng đang trở nên giàu có hơn trên hành trình đó. Vậy thì tại sao bạn phải ra đi chỉ vì có khoản tiền được đảm bảo (tiền ký hợp đồng, lương cố định lớn – PV)?", Aravind Srinivas nói.
Aravind Srinivas cho biết ông "bất ngờ trước quy mô" của mức lương mà Mark Zuckerberg đang đề nghị với các nhà nghiên cứu AI hàng đầu và nói thêm rằng "có vẻ như hiện tại điều đó là cần thiết với họ nếu muốn chiêu mộ được nhân tài AI hàng đầu".
Với mức lương khủng như vậy, "thất bại là điều không thể chấp nhận được" với đội ngũ mới của Meta Platforms, lãnh đạo Perplexity kết luận.
Cựu chuyên gia ở OpenAI: Meta rất khó đạt được thành công với đội ngũ AI mới phát triển siêu trí tuệ
Bà Helen Toner, cựu thành viên hội đồng quản trị OpenAI, cho biết Meta Platforms có thể sẽ sớm chứng kiến các công ty khác tìm cách lôi kéo lại những nhân tài AI mà họ vừa tuyển dụng.
Helen Toner (33 tuổi, người Úc) đang giữ vị trí Giám đốc Chiến lược và Tài trợ nghiên cứu cơ sở tại Viện An ninh và Công nghệ Mới nổi thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) ở thủ đô Washington D.C. Ngoài ra, Helen Toner còn là chuyên gia trong lĩnh vực an ninh quốc gia và AI. Bà thường xuyên tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách và xuất hiện trong các cuộc điều trần, phỏng vấn, podcast để bàn về chính sách AI cùng các rủi ro liên quan.
Rời hội đồng quản trị OpenAI vào tháng 11.2023, Helen Toner chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng7rằng Meta Platforms sẽ cần chứng minh rằng họ đang "di chuyển đủ nhanh" trong lĩnh vực AI để giữ chân các nhân tài mới này.
Helen Toner nói thêm rằng Meta Platforms "sẽ đối mặt với những nỗ lực lôi kéo các nhân sự đó quay lại công ty khác ngay từ ngày đầu tiên".
Bà nói rằng "sẽ rất khó khăn" để Meta Platforms đạt được thành công với đội ngũ AI mới của mình. "Ở đó có rất nhiều vấn đề chính trị nội bộ", Helen Toner cho biết thêm.
Helen Toner rời hội đồng quản trị OpenAI vào tháng 11.2023 sau khi thất bại trong việc lật đổ Giám đốc điều hành Sam Altman - Ảnh: Bloomberg
Cựu thành viên hội đồng quản trị OpenAI cho biết thách thức mà Meta Platforms phải đối mặt không chỉ là tìm kiếm nguồn lực mà còn kiểm soát cái tôi trong tổ chức.
"Việc đó đòi hỏi sự dũng cảm để đối mặt với những người có quyền lực trong công ty, có thể không muốn thất bại, và nói thẳng rằng bạn thực sự không muốn họ làm điều mà họ đang muốn thực hiện. Bài toán đặt ra là liệu Mark Zuckerberg có đủ sức thay đổi động lực tổ chức hay không, nếu đây là dự án cá nhân lớn của anh ấy", Helen Toner nói thêm.
Sơn Vân