Đồng Tào 20 năm sau ngày hạ sơn

Đồng Tào 20 năm sau ngày hạ sơn
3 giờ trướcBài gốc
Hạ sơn về bản mới
Chúng tôi về Đồng Tào trong một ngày nắng thu trải nhẹ, những ngôi nhà mới xây sáng một góc rừng, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng đảo lúa ngoài sân hòa quyện vào nhau rộn ràng. Rót chén nước chè mời khách, Trưởng khu Bàn Văn Phương chia sẻ: Năm 1986, khi được Nhà nước vận động, 23 hộ dân ở bản cũ cùng với hơn chục hộ dân ở bản khác đã cùng nhau hạ sơn. Khi đó, mỗi hộ dân hạ sơn được cấp đất ở, mỗi hộ còn được hỗ trợ 9 triệu đồng để làm nhà ở, 300m2 diện tích trồng chè và mỗi khẩu được cấp 7 thước ruộng. Bản có có công trình nước tự chảy, thủy điện nhỏ, có điểm trường để con em được học tập đầy đủ. Sau này, Chương trình 135 còn hỗ trợ con giống, làm đường giao thông nông thôn, người dân được chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn làm nông- lâm nghiệp, từ đó mà phát triển kinh tế, đời sống dần khấm khá hơn.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu Bàn Văn Phương chia sẻ khi người dân hạ sơn những năm trước
Theo lời kể của anh Phương, câu chuyện của gần 20 năm qua cùng những biến thiên lịch sử trên mảnh đất Đồng Tào như một thước phim quay chậm, giúp chúng tôi có thể hình dung được những khó khăn, vất vả thuở sơ khai lập bản cùng những đổi thay của bản mới. Chỉ tay về phía téc innox đựng nước, anh Phương nói: Đấy cũng là Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cuộc sống của đồng bào nơi đây ngày càng tốt hơn, thể hiện rõ qua những ngôi nhà xây kiên cố, thay thế cho những ngôi nhà xưa cũ.
Đường giao thông được bê tông hóa, thuận tiện cho người dân đi lại; giao thương thuận lợi cho những chuyến xe chở các mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh rồi lại mang những nông sản của người bản địa về xuôi. Người già, trẻ nhỏ lúc đau ốm đã đến Trạm y tế khám bệnh, cấp thuốc. Việc tiêm chủng phòng bệnh cũng dễ dàng, không phải đi mất nửa ngày đường như trước nữa. Giữa chừng cuộc trò chuyện, tôi đưa tầm mắt nhìn ra phía trước nhà của các hộ dân, từng mảnh sân rải thóc vàng óng phơi trong nắng thu vàng.
Đi sâu hơn vào trong khu, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà mới giữa màu xanh của núi rừng. Nhà của ông Lý Văn Suôi, mới tháng 5 đây thôi vừa thực hiện nghi thức vào nhà mới. Ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 70m2 được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng từ Chương trình làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn, 40 triệu đồng từ Chương trình xóa nhà tạm, cộng thêm cặp bò mới bán mà có được căn nhà kín trên bền dưới như thế này. Mặc dù trong nhà chưa có nhiều vật dụng đắt tiền, nhưng vợ chồng ông Suôi vui lắm. "Nếu không có Nhà nước hỗ trợ chắc đến khi nhắm mắt xuôi tay gia đình tôi cũng không có nhà kiên cố để ở" - đó là lời tâm sự rất thật của ông Suôi.
Ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 70m2 của gia đình ông Lý Văn Suôi mới được xây dựng
Như để minh chứng cho sự đổi thay ở Đồng Tào, Trưởng khu Bàn Văn Phương dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Bàn Văn Chử. Bố mẹ anh Chử là một trong những hộ hạ sơn định cư ngay từ những ngày đầu lập bản. Anh Chử học hết THPT, không đi làm ăn xa mà ở nhà chăn nuôi, trồng trọt. Anh được tham gia một số lớp tập huấn ngắn ngày về chăn nuôi gà, lợn, bò, thú y. Sau khi được học, anh áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình chăn nuôi trâu, bò, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập.
Chính sách thay đổi cuộc sống
Khu Đồng Tào hiện có 31 hộ, với 138 khẩu. Đến nay, toàn khu có 2,5ha diện tích trồng 2 vụ lúa và ngô. Ngoài ra, người dân còn tích cực đi làm ăn xa ở các tỉnh lân cận để có thêm thu nhập. Không chỉ biết trồng ngô, lúa, giữ rừng mà người dân còn thay đổi thói quen chăn nuôi thả rông gia súc sang chăn nuôi nuôi nhốt, vừa phòng chống dịch bệnh lại góp phần bảo vệ môi trường luôn sạch sẽ. Khu có 3 hộ được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, một số hộ được thụ hưởng từ Chương trình nhà Đại đoàn kết.
Chủ tịch UBND xã Xuân Đài Hà Ngọc Tín cho biết: “Với quyết tâm để cuộc sống của người Dao ở Đồng Tào ổn định hơn, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc hạ sơn; vận động bà con hiến đất để làm đường, xây dựng nhà văn hóa xóm và khu hạ sơn, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất...”
Đến nay, 100% số hộ đã có điện phục vụ cho sinh hoạt, người dân được cấp thẻ Bảo hiểm y tế và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Cuộc sống ấm no, người dân nơi đây ai cũng phấn khởi, con cái đi học đầy đủ. Con đường bê tông phẳng lì nối với trung tâm xã đã giúp bà con đi lại, giao thương được thuận tiện hơn.
Khu Đồng Tào ngày một đổi mới, sạch đẹp
Một điều vui mừng nhận thấy nữa là khu đã có tới 10 đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ, đây là đội ngũ nòng cốt, tích cực tham gia xây dựng các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, trong các cuộc họp Chi bộ, Bí thư kiêm Trưởng khu Bàn Văn Phương đã tích cực triển khai thực hiện đầy đủ các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đến với người dân, tạo điều kiện để họ nắm bắt được các thông tin, từ đó người dân tin tưởng, đóng góp công sức cho sự phát triển của khu, cũng như tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Tuy đã có những đổi thay và phát triển nhưng Đồng Tào hiện vẫn là một trong những khu khó khăn của xã Xuân Đài với 21/31 hộ nghèo, thu nhập trên 16 triệu đồng/người/năm, đường sá đi lại còn khó khăn. Bà con trong khu mong muốn tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông và hỗ trợ để phát triển sản xuất. Đồng thời triển khai các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con trong chuyển đổi phương thức sản xuất... để cuộc sống của bà con được phát triển tốt hơn.
Đinh Tú
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/dong-tao-20-nam-sau-ngay-ha-son-220610.htm