Đông, tây y kết hợp mang lại hiệu quả cao trong điều trị

Đông, tây y kết hợp mang lại hiệu quả cao trong điều trị
20 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung kiểm tra khả năng vận động của bệnh nhân T.Đ.S. trước khi ông được xuất viện. Ảnh:H.Dung
Đây được xem là xu hướng, phương pháp điều trị hiệu quả cần được phát huy nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Thoát liệt 2 chân sau hơn 6 tháng điều trị
Tháng 9-2024, ông T.Đ.S. (71 tuổi, ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) bỗng dưng bị yếu liệt 2 chân, đại tiện, tiểu tiện không tự chủ. Tình trạng bệnh ngày càng nặng khiến ông không thể đi lại được, chỉ ngồi xe lăn. Ông S. được gia đình đưa đến một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để thăm khám, chụp MRI. Kết quả, bác sĩ phát hiện ông bị u tủy sống, một bệnh lý rất nguy hiểm. Khối u to gây áp lực lên tủy sống khiến ông S. bị liệt 2 chân; nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng.
Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để phẫu thuật. Các bác sĩ đã rạch một đường mổ dài khoảng 20cm phía lưng dưới của bệnh nhân và lấy khối u. 5 ngày sau, do Bệnh viện Chợ Rẫy quá tải, ông S. được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để được chăm sóc.
Tháng 10-2024, ông S. nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai trong tình trạng vẫn phải ngồi xe lăn. Trong 2 tháng đầu, bệnh nhân được làm các thủ thuật, sinh hoạt tại giường.
Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27-2-1957 có đoạn: “Y học cũng phải dựa trên nguyên tắc khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hóa về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”.
“Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chăm sóc tôi rất tận tụy, thường xuyên thăm hỏi, động viên. Tôi được chỉ định uống nhiều loại thuốc, cả đông y và tây y, tập phục hồi chức năng vận động tay chân, đạp xe để cải thiện sức cơ, dẻo khớp. Sau 3 tháng kiên trì tập luyện, tôi đã có cảm giác chân có thể đứng lên được. Riêng vấn đề đại tiện, tiểu tiện đã phục hồi khoảng 80%” - ông S. chia sẻ.
Cũng được điều trị đông - tây y kết hợp hiệu quả là nữ bệnh nhân N. (60 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa). Bà N. bị trào ngược dạ dày thực quản và viêm mũi xoang, thường xuyên ợ hơi, ợ chua, nôn trớ, hắt hơi, mỗi khi nằm xuống là ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi.
Sau khoảng 6 tháng điều trị thuốc tây y, bà N. đã đến Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai để thăm khám. Tại đây, bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm mũi xoang không ổn định nên đã thực hiện phương pháp cấy chỉ nhằm tăng khí huyết vùng xoang cho bệnh nhân. Song song đó, kết hợp uống thuốc tây điều trị bệnh trào ngược dạ dày. Đến nay, sau 2 liệu trình cấy chỉ (khoảng 20 ngày), tình trạng bệnh của bệnh nhân giảm rõ rệt, không còn ợ hơi, trớ, chỉ còn chảy mũi rất ít.
Phát huy hiệu quả điều trị
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Dung, Phụ trách Khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai, cho biết đối với mỗi bệnh lý khác nhau, sự kết hợp giữa đông y và tây y sẽ được cân nhắc để đạt được hiệu quả tốt nhất trong điều trị.
Chẳng hạn, với một bệnh nhân bị đột quỵ (tai biến mạch máu não), sau khi được điều trị bằng thuốc tây y và các phương pháp y học hiện đại, bệnh nhân sẽ được bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện kỹ thuật điện châm giúp kích thích thần kinh cơ đã bị liệt, kích thích vùng não hồi phục, tập luyện phục hồi chức năng giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động nhanh hơn… Song song đó, bệnh nhân sẽ được sử dụng các loại thuốc nhằm kiểm soát các bệnh nền như: cao huyết áp, mỡ máu, phòng ngừa tái phát đột quỵ.
“Sau đột quỵ, bệnh nhân có thể bị rối loạn giấc ngủ, có cảm giác nóng bức, bứt rứt, khó chịu trong người, ăn không ngon miệng, tiểu đêm, lúc này, chúng tôi sẽ có những loại thuốc đông y để hỗ trợ bệnh nhân ngủ ngon, ăn ngon miệng, hạn chế tiểu đêm” - bác sĩ Kim Dung nói.
Cũng theo bác sĩ Kim Dung, đối với các vấn đề về cơ xương khớp, có đến 80% bệnh nhân trước khi đến Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai đã từng sử dụng thuốc tây y nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân phần lớn do bệnh nhân bị sai tư thế trong công việc, công việc đòi hỏi hoạt động cơ liên tục… Lúc này, bác sĩ đông y sẽ thực hiện các phương pháp như: bó thuốc, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, điện châm, chườm ngải cứu kết hợp phục hồi chức năng như: siêu âm trị liệu, từ trường trị liệu, sóng ngắn trị liệu, sóng xung kích tùy vào tình trạng đau, mức độ đau, tính chất công việc của người bệnh.
Mục tiêu nhằm giúp bệnh nhân tăng cường máu đến nuôi các cơ trong cơ thể, loại bỏ các chất cặn bã của quá trình sử dụng năng lượng cơ, giúp cơ được nuôi dưỡng đầy đủ và khỏe hơn. Kết hợp giữa phương pháp điều trị của bác sĩ với việc nghỉ ngơi của bệnh nhân, 100% bệnh nhân sẽ phục hồi.
Hạnh Dung
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/dong-tay-y-ket-hop-mang-lai-hieu-qua-cao-trong-dieu-tri-af077f4/