Khai thác khoáng sản. Ảnh: TTXVN
Căng thẳng thương mại gia tăng đang tác động đến thị trường các vật liệu quan trọng. Theo các chuyên gia, giá antimon sẽ đạt mức kỷ lục, sau lệnh cấm xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ đối với các khoáng sản quan trọng như gali, germani và antimon.
Giá antimon, một vật liệu được sử dụng trong chất bán dẫn và các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, được giao dịch ở mức 39.500-40.000 USD/tấn tại Rotterdam tính đến ngày 31/12. Giá antimon đã tăng khoảng 250% trong năm 2024.
Các nhà giao dịch dự kiến giá antimon sẽ vượt mức 40.000 USD/tấn sau lệnh cấm của Trung Quốc, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu vẫn đang diễn ra.
Một nhà giao dịch kim loại tại châu Âu cho biết đã bán một số lượng nhỏ antimon với giá 40.000 USD/tấn. Nhà giao dịch này cũng nhận định rằng các nhà cung cấp không phải Trung Quốc sẽ tăng giá để tối đa hóa lợi nhuận.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Trung Quốc đã sản xuất gần 50% nguồn cung antimon toàn cầu, ước tính khoảng 83.000 tấn vào năm ngoái.
Các nhà giao dịch cho biết các lệnh cấm của Trung Quốc phù hợp với chiến lược củng cố sản xuất khoáng sản trong nước của nước này.
Bà Ellie Saklatvala, người đứng đầu bộ phận định giá kim loại màu tại công ty phân tích thị trường Argus cho biết Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và đang mua nhiều hơn từ khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bà Saklatvala cũng cho rằng không rõ trong ngắn hạn, Mỹ sẽ có thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung do Trung Quốc để lại bằng cách nào.
Trung Quốc cũng đã cấm xuất khẩu gali và germani sang Mỹ, nhưng điều này sẽ có tác động hạn chế vì Mỹ đã ngừng mua các khoáng sản quan trọng này từ Trung Quốc.
Ông Theo D. Ruas, quan chức cấp cao tại công ty sản xuất vật liệu đặc biệt Indium Corporation nhận định giá sẽ tăng khi các nhà giao dịch tận dụng lệnh cấm để đẩy giá lên.
Ông Ruas cũng cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô cho thấy tầm quan trọng của việc có thêm nguồn cung bên ngoài Trung Quốc. Theo ông, việc tự chủ nguồn cung nên là mục tiêu ngắn hạn của Chính phủ Mỹ.
Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng đã làm dấy lên những lo ngại về việc những kim loại khác có thể bị đưa vào danh sách các đợt hạn chế xuất khẩu tiếp theo. Một nhà giao dịch cho rằng Trung Quốc có thể đưa bismut và mangan vào danh sách hạn chế xuất khẩu.
Trà My (Theo Reuters)