Động thái lạ của Trung Quốc khi Mỹ chính thức áp thuế

Động thái lạ của Trung Quốc khi Mỹ chính thức áp thuế
9 ngày trướcBài gốc
Theo Bloomberg, 3 tiếng sau khi các mức thuế đối ứng của ông Trump có hiệu lực vào ngày 9/4, Trung Quốc vẫn chưa công bố bất kỳ hành động trả đũa nào. Điều này trái ngược với hồi tháng 2 và tháng 3, khi Trung Quốc phản ứng chỉ vài phút sau khi các vòng thuế trước đó của Mỹ bắt đầu.
Cho đến nay, Trung Quốc và Mỹ đã rơi vào một vòng luẩn quẩn "ăn miếng trả miếng" về thuế kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1. Tổng thống Mỹ vẫn chưa có cuộc trò chuyện nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dù đã hơn 2 tháng kể từ lễ nhậm chức.
Việc Trung Quốc chưa có phản ứng ngay lập tức đã phần nào giúp thị trường hạ nhiệt, sau khi đã lao dốc trong tuần này do căng thẳng thương mại leo thang. Chỉ số Hang Seng China Enterprises đã hồi lại toàn bộ mức giảm sau khi có lúc sụt tới 4,4% trong phiên giao dịch buổi sáng.
Bắc Kinh vẫn có thể đưa ra phản ứng sau đó. Reuters dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc dự kiến họp sớm nhất vào ngày 9/4 để thảo luận các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng nội địa và thị trường vốn sau động thái áp thuế của Trump.
Tuần trước, Trung Quốc chờ hơn một ngày mới đáp trả thông báo áp thuế của ông Trump, với tuyên bố được đưa ra vào ngày nghỉ lễ, ngay sau 18h (giờ địa phương) ngày 4/4.
Ngoài các biện pháp thuế quan, Trung Quốc ngày càng có nhiều công cụ để đáp trả Mỹ.
Cũng trong tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ điều tra một công ty Mỹ và đưa một số công ty Mỹ khác vào "danh sách đen", điều này đồng nghĩa với việc cấm họ mua hàng hóa từ Trung Quốc. Trung Quốc cũng áp dụng giấy phép xuất khẩu đối với một số loại đất hiếm, động thái có thể hạn chế lượng xuất khẩu trong ngắn hạn và khiến các công ty Mỹ khó mua hơn.
Trung Quốc có thể tăng cường biện pháp này bằng cách cấm các công ty Mỹ mua đất hiếm sản xuất tại Trung Quốc, như đã từng làm với một số khoáng sản quan trọng khác vào năm ngoái. Trung Quốc kiểm soát phần lớn hoạt động khai thác và chế biến nhiều loại khoáng sản chiến lược, và suốt 15 năm qua đã cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng quyền lực đó trong các tranh chấp với các quốc gia khác.
Trong tuần này, 2 blogger có ảnh hưởng tại Trung Quốc cũng đề xuất phương án khác, bao gồm cấm nhập khẩu gia cầm từ Mỹ, hạn chế nhập khẩu dịch vụ và tạm dừng hợp tác trong vấn đề fentanyl.
Bắc Kinh cũng có thể sử dụng các công cụ khác như phá giá đồng tiền để xuất khẩu rẻ hơn, hoặc bán bớt trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ - dù cả 2 hành động này đều sẽ mang lại hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho chính Trung Quốc.
Hà Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/dong-thai-la-cua-trung-quoc-khi-my-chinh-thuc-ap-thue-post1544282.html