Bước đi đáng kể của Nhà Trắng
Theo tiết lộ từ 2 quan chức Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang xem xét khả năng cung cấp thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine, sau tuyên bố gần đây của ông về việc sẽ tăng cường hỗ trợ Kiev trước các cuộc tấn công từ Nga.
Ngày 8/7, ông Trump đã công khai chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói rằng “chúng tôi nhận được quá nhiều lời lẽ sáo rỗng từ ông Putin". Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn chưa công bố rõ sẽ viện trợ thêm những loại vũ khí nào cho Ukraine nhằm đáp trả việc Moscow phớt lờ lời kêu gọi của ông Trump về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua.
Tổ hợp phòng không Patriot. Ảnh: ABC News
Việc chuyển thêm một hệ thống Patriot sẽ là bước đi đáng kể của Nhà Trắng, đánh dấu lần đầu tiên ông Trump thông qua việc cung cấp một vũ khí quan trọng cho Kiev ngoài số vũ khí đã được thông qua dưới thời Tổng thống Biden.
Theo một quan chức, Nhà Trắng đã yêu cầu Lầu Năm Góc đưa ra các phương án hỗ trợ vũ khí bổ sung cho Ukraine, trong đó có hệ thống Patriot. Giới chức Washington cũng đang xem xét khả năng vận động các quốc gia khác cung cấp thêm hệ thống này cho Kiev.
Những cân nhắc về việc viện trợ vũ khí phòng thủ bổ sung cho Ukraine là một bước ngoặt mới trong chuỗi quyết định thay đổi liên tục của chính quyền ông Trump liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine trong vài tuần gần đây. Khi nhậm chức, ông Trump tỏ ra hoài nghi về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và từng có cuộc gặp đầy căng thẳng với ông Zelensky tại Phòng Bầu dục vào tháng 2/2025, trong khi vẫn bày tỏ niềm tin rằng ông Putin sẽ “giữ lời” trong đàm phán chấm dứt xung đột.
Hiện Ukraine chỉ sở hữu một số ít hệ thống Patriot do Mỹ và các nước khác viện trợ, cũng như đang khẩn thiết yêu cầu thêm vũ khí để đối phó với các đợt tấn công ngày càng gia tăng từ Nga. Mỗi hệ thống Patriot gồm nhiều bệ phóng, radar, bộ chỉ huy kiểm soát và tên lửa đánh chặn.
Các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất hiện đang rất được săn đón trên toàn cầu và mới đây đã được sử dụng để bảo vệ căn cứ không quân Al Udeid trước một cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran hồi tháng trước. Theo một quan chức, quân đội Mỹ có thể điều một hệ thống cho Ukraine nếu nhận được chỉ thị.
Tuy nhiên, vẫn còn những nghi vấn về việc Washington và các đối tác sẽ sẵn sàng cung cấp bao nhiêu tên lửa đánh chặn. Cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông đã khiến nguồn dự trữ bị kéo căng, buộc Mỹ phải gấp rút bổ sung kho vũ khí của mình.
Theo một cựu quan chức Lầu Năm Góc, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 3 hệ thống Patriot, Đức cung cấp 3 hệ thống này và một nhóm quốc gia châu Âu đã gửi một hệ thống Patriot, song không phải tất cả đều hoạt động cùng lúc do các vấn đề bảo trì.
Lập trường thay đổi của ông Trump
Một người phát ngôn của Nhà Trắng từ chối bình luận về việc chính quyền đang cân nhắc gửi thêm hệ thống phòng thủ Patriot cho Ukraine.
Tuần trước, các quan chức chính quyền Mỹ xác nhận Lầu Năm Góc đã tạm dừng một đợt chuyển giao vũ khí cho Ukraine, trong đó bao gồm tên lửa đánh chặn của hệ thống Patriot. Lô hàng cũng gồm tên lửa phòng không AIM-120, đạn pháo, tên lửa AGM-114 Hellfire, tên lửa dẫn đường GMLRS dùng cho bệ phóng HIMARS, tên lửa phòng không vác vai Stinger và súng phóng lựu.
Ngày 7/7, ông Trump cho biết Mỹ sẽ nối lại viện trợ vũ khí cho Ukraine. Khi được hỏi ai là người trong chính quyền ra lệnh tạm dừng chuyển giao, ông Trump nói ông “không biết”.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết ông đang xem xét một dự luật do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham - một đồng minh thân cận của ông, khởi xướng nhằm áp đặt lệnh trừng phạt hoặc thuế quan đối với các quốc gia hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Dự luật này hiện đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 80 thượng nghị sĩ.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận với Tổng thống, ông Trump cho rằng dự luật hiện tại chưa trao đủ quyền linh hoạt cho Tổng thống và Nhà Trắng đang làm việc với các nghị sĩ để đảm bảo đạo luật này phù hợp với nỗ lực chấm dứt xung đột của ông
Trong những tuần gần đây, ông Trump tỏ ra lo ngại nhiều hơn về nhu cầu phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh nước này liên tục đối mặt với các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ Nga. Tuần trước, ông Trump đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống Putin. Sau đó, ông nói với báo giới rằng ông không hài lòng với cuộc trò chuyện và thất vọng với người đồng cấp Nga.
Ngược lại, cuộc điện đàm vào ngày hôm sau với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra thuận lợi hơn, sau khi ông Trump giải thích rằng ông không phải là người ra lệnh tạm dừng chuyển giao một số loại vũ khí – điều đã khiến một số cơ quan trong chính phủ Mỹ bất ngờ.
Điểm khác biệt trong cách tiếp cận so với chính quyền ông Biden
Mới đây, một người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết: “Theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng đang gửi thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine nhằm đảm bảo Kiev có khả năng tự vệ, trong khi chúng tôi tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một nền hòa bình bền vững và chấm dứt đổ máu".
Bước ngoặt này diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Trump. Trong cuộc gọi, ông Zelensky cho biết hai bên đã thảo luận về việc hợp tác sản xuất vũ khí và năng lực phòng không.
Ukraine hiện đang rất cần tên lửa đánh chặn Patriot – loại duy nhất có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga và Mỹ là quốc gia duy nhất có thể phê duyệt việc chuyển giao loại vũ khí này. Một ngày trước đó, ông Trump đã điện đàm với Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người đề xuất mua hệ thống Patriot từ Mỹ để viện trợ cho Ukraine. Những diễn biến này đã khiến ông Zelensky tuyên bố ngày 5/7 rằng cuộc gọi với ông Trump là “cuộc trao đổi hiệu quả nhất mà chúng tôi từng có cho đến nay”.
Việc ông Trump không đưa ra chi tiết cụ thể có thể là một chiến lược có chủ đích hoặc cũng có thể phản ánh phong cách đôi khi thờ ơ với tiểu tiết của ông. Dù những tuyên bố gần đây khiến ông Trump nghe có phần giống người tiền nhiệm Joe Biden trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, điểm khác biệt lại nằm chính ở cách tiếp cận.
Tổng thống Biden thường công khai một cách tỉ mỉ từng loại khí tài được gửi tới Kiev, có thể nhằm duy trì tính minh bạch và tránh leo thang đột ngột với Moscow.
Dù vậy, điều này lại dẫn đến những cuộc tranh luận công khai kéo dài và đôi khi căng thẳng giữa Washington và Kiev về từng loại vũ khí mới, từ tên lửa HIMARS, xe tăng, tiêm kích F-16, cho đến tên lửa tầm xa ATACMS dùng để tấn công lãnh thổ Nga và cuối cùng hầu như tất cả những yêu cầu tưởng chừng không thể đều được Mỹ chấp thuận. Cách tiếp cận minh bạch ấy đã khiến lộ trình leo thang viện trợ của Mỹ trở nên rõ ràng với Điện Kremlin. Trái lại, ông Trump dường như đang tìm cách né tránh kịch bản đó bằng cách nói ít hơn.
Hiện tại, ông Trump đang chuẩn bị chuyển thêm vũ khí cho Ukraine, khẳng định rằng Kiev cần có đủ khả năng tự vệ.
“Chủ yếu là vũ khí phòng thủ nhưng họ đang bị tấn công rất, rất dữ dội. Quá nhiều người thiệt mạng trong mớ hỗn loạn đó", ông Trump nói hôm 7/7.
Giới quan sát đánh giá, hiện có những dấu hiệu cho thấy ông Trump cũng sẵn sàng ủng hộ việc gia tăng áp lực kinh tế lên Nga, trong bối cảnh nền kinh tế của Moscow đang chịu sức ép nặng nề do các lệnh trừng phạt quốc tế.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Wall Street Journal, CNN