Động thái mới nhất của Đan Mạch khi ông Trump tiếp tục đề nghị mua Greenland

Động thái mới nhất của Đan Mạch khi ông Trump tiếp tục đề nghị mua Greenland
13 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen. Ảnh: PAP/Piotr Nowak
Phát biểu với báo Jyllands-Posten hôm 24/12, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết, Copenhagen sẽ chi ít nhất 1,5 tỷ USD cho một gói biện pháp nhằm tăng cường sự hiện diện của quân đội Đan Mạch tại Greenland.
Gói này bao gồm 2 tàu tuần tra, 2 máy bay không người lái tầm xa, 2 đội chó kéo xe trượt tuyết và kinh phí để nâng cấp một trong những sân bay dân sự của Greenland để phục vụ cho máy bay chiến đấu F-35.
Bộ trưởng Poulsen nhấn mạnh: "Trong nhiều năm, chúng tôi đã không đầu tư đủ vào Bắc Cực, thời điểm hiện tại chúng tôi đang lên kế hoạch hiện diện mạnh mẽ hơn".
Ông Poulsen nói rằng quyết định tăng chi tiêu quân sự ở Greenland đã được Đan Mạch lên kế hoạch trước, và thật "trớ trêu thay" khi quyết định này được công bố ngay sau phát ngôn gây chú ý của Tổng thống đắc cử Trump.
Hai ngày trước đó, Tổng thống đắc cử Trump nói rằng Washington nên tiếp quản quốc đảo này khi ông thông báo bổ nhiệm ông Ken Howery làm Đại sứ Mỹ Đan Mạch.
Trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông Truth Social của mình hôm 22/12, ông Trump tuyên bố việc kiểm soát Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới là điều "tuyệt đối cần thiết" đối với nước Mỹ.
Nhà lãnh đạo Greenland Mute Egede đã giận dữ đáp trả ông Trump. "Greenland là của chúng tôi. Hòn đảo này không phải để bán và sẽ không bao giờ có chuyện đó” - hãng thông tấn Ritzau trích tuyên bố của ông Egede. "Tuy nhiên, chúng tôi phải tiếp tục cởi mở hợp tác và giao thương với toàn thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng".
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng liên tục ngỏ ý Mỹ mua lại Greenland, gọi việc mua lại có thể là "một thương vụ bất động sản lớn".
Tổng thống đắc cử Trump lập luận rằng chính phủ Đan Mạch sẽ háo hức chia tay hòn đảo lớn nhất thế giới vì việc cung cấp kinh phí cho hòn đảo khiến họ "thực sự bị tổn hại nặng nề".
Tuy nhiên, chính quyền ở cả Đan Mạch và Greenland đều từ chối thẳng thừng lời đề nghị này, khiến ông Trump khi đó phản ứng bằng cách hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Copenhagen vào năm 2019.
Greenland là lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Đây là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích hơn 2,1 triệu km2. Greenland chỉ có hơn 57.000 người sinh sống vì 80% diện tích hòn đảo do băng bao phủ.
Tuy nhiên, Greenland được biết đến là nơi giàu tài nguyên khoáng sản như vàng, bạc, đồng, uranium và thềm đại dương bên dưới vùng lãnh hải được cho là có trữ lượng dầu khổng lồ.
Hòn đảo là một phần của lục địa Bắc Mỹ, có lối vào Bắc Cực, nơi sự cạnh tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên và các tuyến đường chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới ngày càng gay gắt trong những năm gần đây
Greenland là nơi đặt một căn cứ của Lực lượng Không gian Mỹ. Việc giành quyền kiểm soát Greenland sẽ mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận của Mỹ tại Bắc Băng Dương. Hiện tại, 50% đường bờ biển Bắc Cực thuộc lãnh thổ Nga, và khu vực này có tầm quan trọng chiến lược và chủ quyền then chốt đối với Moscow.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 9 đã cảnh báo rằng "tham vọng toàn cầu hóa và tự hợp pháp hóa của Washington, nhằm khẳng định vai trò của mình như một cảnh sát thế giới... cũng đang mở rộng đến khu vực Bắc Cực".
Ông Lavrov cũng đề cập đến việc khối NATO do Mỹ dẫn đầu đang "tăng cường các cuộc tập trận liên quan đến các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra ở Bắc Cực". "Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình dựa trên các phương diện quân sự, chính trị và kỹ thuật quân sự," Ngoại trường Lavrov nhấn mạnh.
Nguyễn Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dong-thai-moi-nhat-cua-dan-mach-khi-ong-trump-tiep-tuc-de-nghi-mua-greenland.html