Ảnh minh họa.
Bộ Xây dựng vừa có công văn số 2706/BXD -KTQLXD gửi UBND các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng về việc hỗ trợ triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị UBND 9 tỉnh, thành phố nói trên chỉ đạo chính quyền địa phương nơi Dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các cơ quan, đơn vị liên quan hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị Tư vấn tiếp cận mặt bằng trong quá trình triển khai khảo sát, chuẩn xác hướng tuyến (khi chưa giải phóng mặt bằng); đồng thời, chú trọng công tác an ninh, trật tự trên địa bàn; tránh hiện tượng xây dựng trong phạm vi đất dự kiến thu hồi để trục lợi.
UBND tỉnh Lào Cai và TP. Hà Nội được đề nghị chỉ đạo Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, rà soát và hỗ trợ đẩy nhanh quá trình cấp Giấy chứng nhận bổ sung danh mục phép thử theo tiêu chuẩn Trung Quốc đối với các phòng thí nghiệm trên địa bàn có đủ điều kiện, nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ của Dự án.
Theo Bộ Xây dựng, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025, với mục tiêu đưa vào khai thác vận hành từ năm 2030.
Dự án được triển khai trong điều kiện rất đặc biệt, khác với thông thường bao gồm: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với nhiều cơ chế chính đặc thù, lần đầu tiên được áp dụng nên quá trình triển khai các chủ thể tham gia còn lúng túng.
Bên cạnh đó, Dự án có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Trung Quốc, trong đó có khoản viện trợ không hoàn lại hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nên các trình tự, thủ tục thực hiện khác so với các dự án thông thường khác.
Đặc biệt các đơn vị liên quan phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải triển khai đồng thời các nhiệm vụ, với tiến độ rất cấp bách chưa từng có để phấn đấu khởi công Dự án trong tháng 12/2025.
Trước đó, tại cuộc họp Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt diễn ra vào sáng 26/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công Dự án đầu tư tuyến đướng sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026; giao các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5/2025.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.
Về giải phóng mặt bằng cho các dự án, Thủ tướng nêu rõ, luật, cơ chế, chính sách đã có, các địa phương phải chủ động giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị và các lực lượng vào cuộc; đặc biệt cần hoàn thành giải phóng mặt bằng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 9 năm nay.
Theo Nghị quyết 187, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.
Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391 km; chiều dài tuyến nhánh 27,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1,435 m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; 120 km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP. Hà Nội; tốc độ 80 km/h với các đoạn tuyến còn lại. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, số dân tái định cư khoảng 19.136 người.
Anh Minh