Tỷ giá “hạ nhiệt” nhưng vẫn áp lực
Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng nhà nước công bố áp dụng trong phiên ngày 11/4 ở mức 24.964 đồng, giảm 13 đồng so với mức công bố trước đó.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng nhà nước niêm yết ở mức 23.727 - 26.119 đồng/USD (mua - bán), giảm mạnh 39 đồng/USD chiều mua và giảm mạnh 43 đồng/USD chiều bán ra so với phiên trước đó.
Trước đà “hạ nhiệt” của tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại cũng giảm mạnh giá mua - bán USD so với phiên trước.
Cụ thể, tỷ giá USD tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.530 - 25.920 đồng/USD, giảm mạnh 60 đồng/USD chiều mua và giảm 50 đồng/USD chiều bán ra.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.550 - 25.910 đồng/USD, giảm mạnh 60 đồng/USD chiều mua và chiều bán ra.
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.410 - 25.990 đồng/USD, giảm 35 đồng/USD chiều mua và chiều bán.
Trên thị trường tự do, nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM đều hạ tỷ giá khi niêm yết đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.994 - 26.094 đồng/USD, giảm 70 đồng/USD chiều mua vào và giảm 60 đồng/USD chiều bán ra so với phiên trước.
Suốt khoảng một tuần qua, tỷ giá USD/VND tăng mạnh khi ngày 2/4, Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump công bố sắc lệnh áp thuế 10% với toàn bộ hàng hóa từ tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4/2025.
Đặc biệt, áp lực tỷ giá bị đẩy lên đỉnh điểm khi Mỹ tuyên bố áp thêm thuế đối ứng đối với hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ mà nước này có thâm hụt thương mại, dao động 10%-50%. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%.
Tuy nhiên ngày 9/4, Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump bất ngờ thông báo tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày đối với các quốc gia không trả đũa Mỹ theo bất kỳ hình thức nào.
Tuyên bố của Donald Trump là chất xúc tác hạ nhiệt tỷ giá sau những phiên căng thẳng.
Trong cập nhật mới nhất liên quan đến việc ông Donald Trump tạm hoãn thuế 90 ngày, Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt từ quốc gia chịu mức áp thuế cao hơn so với Việt Nam.
Thậm chí, xa hơn, nếu căng thẳng thương mại Mỹ- Trung nâng lên cùng các động thái liên tục trả đũa, trong khi Việt Nam chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc thì sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất kinh doanh, đây cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
“Thị trường ngoại hối và tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây”, chuyên gia VCBS nhận định.
Trước đó, khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, VCBS từng dự báo, các yếu tố ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, lãi suất) vẫn sẽ được đảm bảo nhưng tỷ giá biến động trong ngắn hạn.
“Những lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) cũng chậm lại, thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại không quá dồi dào”, VCBS phân tích.
Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng nhận định lãi suất điều hành dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, lãi suất huy động được đảm bảo ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa từng ngành nghề và doanh nghiệp, cũng như khẩu vị giữa các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) phân tích, VND đã điều chỉnh giảm giá so với USD trong một thời gian dài trước đó nên đã tạo ra một "lớp đệm" nhất định nên áp lực điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá mạnh.
“Tỷ giá vẫn là yếu tố cần theo dõi sát, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn có khả năng kiểm soát trong ngắn hạn nhờ các công cụ chính sách hiện có”, ông Hưng nhận định.
Linh hoạt chính sách tiền tệ để giảm tác động
Dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày nhưng các chuyên gia cho rằng, sắc thuế Mỹ áp dụng 10% trước đó vẫn sẽ tác động đến tỷ giá, lãi suất và tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận, rủi ro tỷ giá vẫn có.
Theo ông Phương, để điều hành tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp như lãi suất hoặc khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu song có thể bán ngoại tệ ngay, sau đó được quyền mua lại.
Còn với doanh nghiệp chưa tới thời điểm nhập khẩu thì được khuyến nghị chưa mua USD giai đoạn này mà có thể mua vào dịp khác để tránh tình trạng “thắt nút cổ chai” giai đoạn nóng.
Ngoài ra, để vượt những thách thức bên ngoài, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và điều chỉnh tài khóa hợp lý. Tăng cường hỗ trợ xuất khẩu bằng việc áp dụng trợ cấp hoặc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng do thuế quan của Mỹ.
Đặc biệt, đối với chính sách tiền tệ, việc thúc đẩy mở rộng tiêu dùng nội địa và đầu tư sẽ góp phần hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8%.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, tỷ giá VND/USD sẽ chịu áp lực lớn nếu Mỹ thực thi mức thuế quan lên tới 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Nguyên nhân do sự sụt giảm nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu. Trong ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã lên tới khoảng 100 tỷ USD. Trong khi, dự trữ ngoại hối hiện chỉ vào khoảng 80 tỷ USD, thấp hơn chuẩn thông lệ quốc tế vốn yêu cầu mức dự trữ tương đương ít nhất ba tháng nhập khẩu.
“Trong kịch bản bất lợi, nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, tỷ giá USD/VND có thể tăng tới 10% trong năm nay”, ông Hiếu nhận định và cho biết thêm, mức thuế 46% hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán. Do đó, chưa thể đưa ra dự báo cụ thể về mức độ biến động tỷ giá trong năm 2025 cho đến khi Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận cuối cùng về thuế quan.
Trên thị trường, một số ngân hàng đang hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách cung cấp các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi ngoại tệ, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch tài chính.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang triển khai chương trình ưu đãi phí chuyển tiền quốc tế "The Queen", với mức chỉ từ 1 USD/giao dịch khi doanh nghiệp mua ngoại. Đối với các doanh nghiệp có sẵn nguồn USD, mức giảm phí lên đến 50%, tối đa chỉ 200 USD/giao dịch.
An Nhiên