Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát sinh thực trạng người sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là ở khu vực các huyện biên giới, tự ý khai thác lớp đất mặt để bán cho các cá nhân, tổ chức khác mà chưa có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thực trạng người sử dụng đất nông nghiệp (ảnh minh họa)
Tình trạng trên làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tác động xấu đến môi trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đất đai (hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích) cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý việc sử dụng đất không đúng mục đích, san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp); tự ý khai thác lớp đất mặt, hủy hoại đất.
Đồng thời, phát động phong trào để người dân tham gia giám sát, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi khai thác lớp đất mặt trái phép, công khai số điện thoại tiếp nhận thông tin phản ánh.
Địa phương nào để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý đào lấy lớp đất mặt để bán mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng, làm suy giảm chất lượng đất, hủy hoại đất, khó khắc phục, không kiểm tra, xử lý kịp thời thì Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Công an tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và chính quyền địa phương tiếp tục thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
Kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác đất mặt trái phép, gây bức xúc trong nhân dân; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện trong công tác bảo vệ, ngăn chặn hoạt động khai thác đất trái phép.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng và Công an cấp huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động tự ý khai thác lớp đất mặt trái phép, làm hủy hoại đất đai; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển tài nguyên đất không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp.
Sở Tư pháp phối hợp, hướng dẫn các đơn vị có liên quan trong việc xác định hành vi vi phạm, trình tự thủ tục và các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả về quản lý, sử dụng đất sai mục đích và hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển tài nguyên đất trái phép, gây hủy hoại đất đai trên địa bàn tỉnh.
Khánh Ngọc