Đồng Tháp: Chuyển đổi hơn 1.800 ha đất trồng lúa kém hiệu quả

Đồng Tháp: Chuyển đổi hơn 1.800 ha đất trồng lúa kém hiệu quả
2 ngày trướcBài gốc
Chuyển đổi đất lúa sang trồng xoài ở huyện Thanh Bình (ảnh tư liệu).
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định chọn 26 loại cây lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa như: xoài, nhãn, cam, quýt, chanh, bưởi, sầu riêng, mít, mãng cầu, vú sữa, dừa… Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâu năm trên đất trồng lúa phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Trồng trọt và các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp rà soát, tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi danh mục loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa còn lại phù hợp với tình hình thực tế.
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ danh mục loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa, lựa chọn loại cây trồng phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển trồng trọt và phù hợp với tình hình thực tế sản xuất của địa phương.
Gia đình ông Trương Văn Thống ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông đầu tư cải tạo 2 ha đất ruộng canh tác lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài tượng da xanh. Mỗi vụ, ông Thống thu hoạch trên 1 tấn trái xoài cát Hòa Lộc và từ 1,5 - 2 tấn xoài tượng da xanh. Sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc còn lãi từ 350 - 400 triệu đồng/vụ, gấp 7 - 8 lần so với trồng lúa.
Ở tỉnh Đồng Tháp trên thực tế hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng trồng cây lâu năm, 1 ha trồng xoài, mít, nhãn, chanh… cho lợi nhuận từ 50 - 200 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp từ 2 - 8 lần trồng lúa.
Việc linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh Đồng Tháp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế. Từ đó góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp người dân tăng thu nhập.
Ngoài ra, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm có giá trị kinh tế cao giúp ổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho nông sản Đồng Tháp, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.
Tin, ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-thap-chuyen-doi-hon-1800-ha-dat-trong-lua-kem-hieu-qua-20250331114034887.htm