Gần 2 tỷ đồng từ doanh nghiệp cùng đầu tư với ngân sách nhà nước
Theo Quyết định được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ký ban hành, tổng kinh phí thực hiện các đề án khuyến công trong năm 2025 là 3.666.984.000 đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,63 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ các đơn vị thụ hưởng, lên tới gần 1,96 tỷ đồng.
Ngoài khoản kinh phí thực hiện các đề án, chương trình cũng dành 73 triệu đồng cho chi phí quản lý, triển khai thực hiện. Việc huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội hóa thông qua đối ứng từ doanh nghiệp cho thấy sự đồng thuận cao và nhu cầu thực sự từ cơ sở trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất.
Chương trình năm nay tập trung vào việc hỗ trợ 6 đề án cụ thể thuộc các lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất nhang sen, bánh kẹo, muối ớt, bao bì … Tất cả đều có điểm chung là đưa máy móc hiện đại vào thay thế sản xuất thủ công, giúp tăng năng suất, giảm chi phí và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chương trình thể hiện rõ nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Nguồn vốn khuyến công địa phương năm hỗ trợ cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm
Danh sách các đơn vị được thụ hưởng năm nay cho thấy sự lan tỏa rõ rệt của chương trình khuyến công đến nhiều huyện, thị trong tỉnh. Một số đề án tiêu biểu gồm: Công ty TNHH thực phẩm Sao Khuê Đồng Tháp được hỗ trợ 300 triệu đồng từ ngân sách, đối ứng 337 triệu đồng, để đầu tư máy sấy bơm nhiệt và máy hấp tạo hạt. Tổng kinh phí thực hiện hơn 650 triệu đồng; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Liên Tâm được hỗ trợ mua sắm máy nghiền, máy trộn bột và máy làm nhang nụ tự động, với tổng vốn thực hiện gần 495 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ một nửa; Cơ sở bánh kẹo Anh Thư đầu tư máy đóng gói tự động cao cấp, với tổng kinh phí gần 293 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm kẹo đậu phộng đặc sản; Công ty TNHH thực phẩm nông sản Ngọc Yến triển khai dây chuyền chiết rót đóng gói muối ớt sấy, bột ớt hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 844 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng đây là đề án có quy mô tài chính lớn nhất trong năm nay.
Bên cạnh đó, còn có đề án hỗ trợ máy móc cho các doanh nghiệp như Do Thiên (máy sấy bơm nhiệt 150kg), Mỹ Hòa (máy sấy lạnh 1 tấn), hay Hộ kinh doanh Thiện Hải (máy trộn, tủ hấp, máy đóng gói nem chả tự động)… Tất cả đều mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng cơ sở.
Động lực phát triển bền vững cho công nghiệp nông thôn
Theo nội dung Quyết định, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp là đơn vị chủ trì thực hiện toàn bộ các đề án. Trung tâm sẽ chịu trách nhiệm triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát chất lượng thiết bị và phối hợp chuyển giao công nghệ đến từng đơn vị thụ hưởng.
UBND tỉnh cũng phân công rõ trách nhiệm các bên: Sở Công Thương là đầu mối điều phối, đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, Sở Tài chính thẩm định dự toán và kiểm soát quá trình thanh toán, quyết toán, đảm bảo hiệu quả và minh bạch.
Thông qua chương trình khuyến công, tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng góp phần: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương; Tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; Hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu và ô nhiễm môi trường.
Nhờ nguồn kinh phí khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường
Có thể thấy, các đề án năm 2025 của Đồng Tháp cho thấy sự chuyển dịch chiến lược từ hỗ trợ "tự phát" sang hỗ trợ "có định hướng", tập trung vào những ngành hàng có tiềm năng thị trường và giá trị gia tăng cao, đặc biệt là thực phẩm, nông sản sau thu hoạch đó là thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc đầu tư cho máy sấy, máy đóng gói, máy chiết rót, máy làm nhang… không chỉ tạo ra sản phẩm đồng nhất, chất lượng mà còn giảm đáng kể lao động thủ công, giải phóng sức lao động, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đây vốn là lực lượng chủ đạo tại địa phương.
Khuyến công vì thế không đơn thuần là hỗ trợ kỹ thuật, mà còn đóng vai trò như một "đòn bẩy" giúp các cơ sở sản xuất nông thôn hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị, vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Tâm Tâm