Hiện nay, theo thống kê, tỉnh Đồng Tháp có gần 3.500 hộ người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về nhà ở. Trong đó, hộ nghèo và hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở là 2.868 căn; xây mới là 2.430 căn và sửa chữa là 438 căn. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ có đủ điều kiện để hỗ trợ có đất ở là 1.186 hộ. Đồng Tháp đã chỉ đạo hỗ trợ ngay những hộ có đủ điều kiện, cùng với đó chỉ đạo các ban chỉ đạo huyện, thành phố rà soát để tránh bỏ sót đối tượng sau khi thống kê đầy đủ nhu cầu nhà ở xã hội theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Nhìn căn nhà đang dần hoàn thiện, bà Trần Thị Ánh Nhung ở ấp 3, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cùng chồng vẫn chưa thể tin gia đình sắp được chuyển vào căn nhà mới để ở. Căn nhà được xây dựng kiên cố, vững chắc, nền nhà được tráng xi măng, vách tường, đây được xem căn nhà mơ ước của gia đình bà Ánh Nhung suốt mấy chục năm qua.
Đồng Tháp huy động các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát
Gia đình bà Nhung thuộc diện hộ nghèo, khi được chính quyền địa phương khảo sát và thông báo gia đình nằm trong diện đủ điều kiện được xét hỗ trợ kinh phí xây nhà từ chương trình xóa nhà tạm, dột nát. Từ lúc nhận được thông tin cả gia đình bà vui mừng, nhiều đêm không ngủ được vì mong ước có được căn nhà khang trang, vững chắc đang dần thành hiện thực. Còn vài ngày nữa là căn nhà được hoàn thiện với biết bao hy vọng mang theo về cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn trong căn nhà mới.
“Hồi xưa nhà xiêu vẹo, mưa gió là tôi lo sợ lắm. Nhờ nhà nước hỗ trợ xây, các con phụ thêm, chúng tôi xây được căn nhà. Vợ chồng tôi mừng lắm. Nhiều đêm không ngủ được vì quá vui mừng”, bà Nhung nói.
Huyện Tháp Mười đang tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc. Với quyết tâm không để người dân chính sách, hộ nghèo sống trong cảnh nhà cửa tạm bợ, huyện Tháp Mười đang huy động tối đa mọi nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu này.
Sau nhiều năm ở tạm trong nhà kho của Hợp tác xã, ông Đặng Văn Tiến, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười bật khóc khi sắp sửa dọn vào căn nhà mới để ở. Đây là căn nhà mà biết bao nhiêu năm qua ông Tiến luôn mơ ước về chỗ ở ổn định lúc tuổi già.
Những căn nhà được bàn giao cho người dân ở huyện Tháp Mười
Hoàn cảnh của ông Đặng Văn Tiến rất khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào công việc làm thuê, cảnh thiếu trước, hụt sau là điều hiển nhiên. Vì vậy ông Tiến cũng không bao giờ nghĩ tới việc xây nhà để ở. Thế nhưng niềm vui đã đến với ông khi giấc mơ an cư đã thành hiện thực từ chương trình xóa nhà tạm, dột nát và từ nguồn vận động xã hội hóa của địa phương. Đây là niềm vui lớn trong cuộc đời ông, khi ở tuổi xế chiều có được căn nhà kiên cố để ở.
“Vì ruộng nương không có, mình cũng đã lớn tuổi, làm mướn ngày nào sống ngày đó. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì cũng chưa xây được. Vui mừng lắm chứ, có chỗ ở, có nhà rồi thì sẽ cố gắng làm việc kiếm tiền, ổn định cuộc sống”, ông Tiến nói.
Thể hiện tinh thần, trách nhiệm cùng nhau chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân
Theo khảo sát của ngành chức năng huyện Tháp Mười, địa phương hiện có 178 hộ dân có nhu cầu về xóa nhà tạm. Trong đó có 80 hộ gia đình chính sách, 98 hộ nghèo, cận nghèo. Đối với hộ nghèo có 32 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ từ nguồn ngân sách và 66 hộ không đủ điều kiện. Đối với các hộ chính sách và hộ nghèo đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ kinh phí, các địa phương đã hoàn thành các bước để các gia đình khởi công xây cất.
Ông Lương Văn Út, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Tháp Mười cho biết, đối với những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở nhưng không đủ điều kiện được hỗ trợ từ ngân sách thì địa phương đã cùng với các xã, thị trấn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện cùng chung tay thực hiện xóa nhà tạm cho người dân. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng các nhà hảo tâm, đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm cùng nhau chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Chúng ta sử dụng mọi nguồn lực, có 3 nguồn lực chủ yếu, thứ nhất là nguồn quỹ vì người nghèo, thứ 2 là vận động trong cán bộ dưới hình thức hỗ trợ 2 ngày lương, nguồn thứ 3 là vận động các nguồn lực xã hội, chủ yếu từ mạnh thường quân. Trong giai đoạn 2 cũng từ nguồn lực xã hội để các đối tượng có nhà tạm mà không phải hộ nghèo, cận nghèo. Hiện tại, ban chỉ đạo đã chỉ đạo xã rà soát để báo cáo về ban chỉ đạo huyện số lượng nhà dột, nhà tạm. Chúng tôi tiến hành khảo sát, vận động, phân bổ, làm thế nào để trên địa bàn huyện Tháp Mười không còn nhà tạm, dột nát”, ông Lương Văn Út cho hay.
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm trong tháng 9 tới
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị về xóa nhà tạm, nhà dột nát cùng mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” đang được huyện Tháp Mười hiện thực hóa bằng những việc làm thiết thực. Tập trung huy động mọi nguồn lực và vận động xã hội hóa để khởi công xây dựng và sửa chữa nhà cho các hộ dân để bàn giao sớm nhất. Những căn nhà mới không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, có chỗ che mưa, che nắng mà còn là nguồn động viên, khích lệ tinh thần để người dân vươn lên thoát nghèo, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL