Khu vực bên trong của chuồng nuôi sếu non tại phân khu A3, Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)
Thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ngày 19/4, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức đưa đàn sếu đầu đỏ (6 cá thể sếu) từ Thảo Cầm Viên Sài Gòn về Vườn quốc gia Tràm Chim.
Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn; lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về gìn giữ đa dạng sinh học, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là tại vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim.
Đến thời điểm này, tại khu bảo tồn của Vườn quốc gia Tràm Chim, các chuồng nuôi sếu đầu đỏ đã được hoàn thiện theo mô hình bán hoang dã, với đầy đủ thảm thực vật, nguồn nước và sinh cảnh tự nhiên.
Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Tràm Chim) cũng triển khai hệ thống giám sát gồm 9 camera quan sát từ xa, hạn chế sự tác động của con người đối với sếu.
Nhân viên kỹ thuật giám sát khu vực các chuồng nuôi sếu đầu đỏ thông qua hệ thống camera giám sát 24/7. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)
Ở khu vực nuôi sếu trưởng thành theo hình thức bán hoang dã, các hạng mục như: trồng cây xanh, lắp mái che, cải tạo thảm cỏ và lắp đặt hệ thống camera đã hoàn tất.
Lối đi phục vụ tham quan cũng được thiết kế thân thiện, thông thoáng, thuận lợi cho du khách tiếp cận mà không ảnh hưởng đến môi trường sống của sếu.
Đội ngũ nhân viên đã được tập huấn tại Thái Lan để bảo đảm các quy trình chăm sóc, sơ cứu, điều trị sếu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mọi điều kiện về an toàn, chăm sóc đều được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn thức ăn được bảo đảm để phù hợp chế độ dinh dưỡng tự nhiên của sếu đầu đỏ.
Vườn quốc gia Tràm Chim cũng đã xây dựng quy trình tạm thời nuôi dưỡng, chăm sóc và thả sếu đầu đỏ về thiên nhiên để triển khai trong thời gian tới. Trong quá trình thực hiện, chăm sóc, đơn vị này sẽ tiếp thu góp ý, tích lũy kinh nghiệm từ chuyên gia để hoàn thiện quy trình.
Những năm qua, Vườn quốc gia Tràm Chim đã tích cực phục hồi hệ sinh thái đặc trưng của Đồng Tháp Mười, bảo đảm điều kiện tối ưu cho sự phát triển của đàn sếu đầu đỏ trong tương lai.
Theo Vườn quốc gia Tràm Chim, những cánh đồng năn kim, nguồn thức ăn quan trọng của sếu đầu đỏ đã dần phục hồi mạnh mẽ tại các khu A1, A5, A4; môi trường nguồn nước, thảm thực vật cũng dần phục hồi.
Trước đó, nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên, tỉnh Đồng Tháp phối hợp Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, Hội Sếu quốc tế và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương quốc Thái Lan về Việt Nam.
Nhóm chuyên gia Thái Lan, Việt Nam và Hội Sếu quốc tế cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim vui mừng sau khi hoàn thành việc vận chuyển sếu đầu đỏ về cách ly, chăm sóc tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào tối 10/4. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)
Sáu cá thể sếu đầu đỏ được chuyển từ Thái Lan về Việt Nam bằng đường hàng không vào tối 10/4, sau đó chuyển đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn cách ly.
Được biết, 6 sếu đầu đỏ đều phục hồi rất nhanh. Đến ngày 16/4, các cá thể sếu đều thể hiện những cử chỉ, hoạt động sung mãn, đã có thể bay những đoạn ngắn. Lượng thức ăn tiêu thụ tăng lên từng ngày. Ngoài thức ăn viên, sếu còn được bổ sung thêm nguồn thức ăn là sâu gạo, dế và cá nhỏ.
Việc tiếp nhận các cá thể sếu nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Đây là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ.
HỮU NGHĨA