Hơn 10.700 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư trong năm 2024
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2024, tỉnh này thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả vượt trội hơn so với năm 2023, tạo nền tảng khá vững chắc để bứt phá trong năm 2025.
Cụ thể là: công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng trưởng công nghiệp và xây dựng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đầu người vượt chỉ tiêu kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên chạm mốc 2 tỷ USD xuất khẩu gạo và thủy sản chế biến dẫn đầu cả nước.
Một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp được quảng bá, giới thiệu tại sự kiện Mekong connect 2024 tổ chức tại tỉnh An Giang. Ảnh: Hoàng Dương.
Tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,44% (năm 2023 là 5,61%), quy mô kinh tế theo giá hiện hành tăng thêm 12.000 tỷ đồng, đạt mốc 122.700 tỷ đồng (xếp thứ 6 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long). GRDP bình quân đầu người đạt 76,67 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 9.434 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục kéo giảm còn 1,08%. Số lao động được giải quyết việc làm trong năm hơn 41.800 người.
Năm 2024, tỉnh Đồng Tháp về đích sớm các chỉ tiêu 5 năm như: giảm tỷ lệ hộ nghèo, hợp tác xã thành lập mới, một số chỉ tiêu thành phần thuộc nhóm xây dựng nông thôn mới; các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả.
Thực hiện đạt và vượt 19/22 chỉ tiêu tại nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó, có 11 chỉ tiêu vượt và 8 chỉ tiêu đạt so với kế hoạch.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh nhằm chung sức, đồng lòng phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định lộ trình phù hợp đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu quy hoạch đề ra.
Ngoài ra, trong năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đều hoàn thành theo kế hoạch các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP (chương trình mỗi phường/xã một sản phẩm) và cấp nước sạch khu vực nông thôn. Năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp có 581 sản phẩm OCOP (464 sản phẩm 3 sao; 116 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao) của 248 chủ thể (tăng 128 sản phẩm so năm 2023), có 379 sản phẩm OCOP được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tại buổi họp mặt doanh nghiệp mừng Xuân Ất Tỵ 2025 do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức (chiều ngày 22/1/2025), ông Trần Trí Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cũng cho biết năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập mới được 666 doanh nghiệp (với tổng vốn đăng ký gần hơn 4.500 tỷ đồng), 132 doanh nghiệp tái hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.374 doanh nghiệp và thu hút 10 dự án đầu tư mới (với hơn 10.700 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư).
Thực hiện “1 – 3 – 5” để phát triển kinh tế
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vừa có chỉ thị về việc tăng cường kỷ cương hành chính về việc này.
Cụ thể, theo Chỉ thị số 02/CT-UBND (ngày 21/1/2025) “về việc tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác, chỉ đạo điều hành năm 2025; tổ chức rà soát, phân công triển khai các trọng tâm công tác, nhiệm vụ của ngành, địa phương theo phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”.
Đối với các văn bản có tính chất quan trọng phải do người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp ký, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh;….
Cơ sở hạ tầng tại TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp ngày càng phát triển. Ảnh: Hoàng Dương.
Năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp; nâng cao chất lượng du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng chính quyền năng động, hiệu lực, hiệu quả;....
Ngoài ra, đối với lĩnh vực đầu tư, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trong năm 2025 khoảng 32.538 tỷ đồng (tăng 7.571 tỷ đồng so với năm trước), chiếm 24% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong đó, vốn đầu tư công do tỉnh phân bổ và quản lý là 7.837 tỷ đồng, phấn đấu giải ngân hết vốn.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ công việc theo tiến độ: tiếp nhận, phân công cán bộ, công chức thực hiện trong 1 ngày; phối hợp xử lý trong 3 ngày; thời hạn hoàn thành mỗi công việc không quá 5 ngày. Đối với các công việc khẩn cấp, thời gian thực hiện ngắn phải ưu tiên, bố trí nhân sự thực hiện phù hợp, chủ động, linh hoạt để hoàn thành đúng hạn. Mỗi nội dung họp để cho ý kiến giải quyết, xử lý không quá 2 lần (khoảng cách giữa 2 lần họp không quá 1 tháng).
Cũng theo chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tập trung tối đa nguồn lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP ít nhất 8%; phấn đấu hoàn thành đạt, vượt 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ tiêu ngành, lĩnh vực năm 2025 đã đề ra; khẩn trương triển khai nhiệm vụ, chỉ tiêu, dự án của ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương ngay trong tháng 1/2025; chuẩn bị thật tốt để triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực và các đề án, chương trình, dự án trọng tâm.
Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, gắn với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tập trung giải quyết các hồ sơ, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính tại cơ quan, địa phương, nhất là các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp,....
Hoàng Dương