Kể từ khi tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự cứng rắn trong vấn đề thuế quan với kim chỉ nam “Nước Mỹ trước tiên”. Và lập trường này tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Dưới đây là dòng thời gian chính sách thuế quan của ông Trump trong gần 3 tháng sau khi ông nhậm chức, theo hãng tin AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngày 20-1
Trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump cam kết sẽ “đánh thuế các quốc gia nước ngoài để làm giàu cho người dân của chúng ta”. Ông cũng nhắc lại kế hoạch thành lập một cơ quan mang tên Cục Thuế Ngoại thương chịu trách nhiệm về thuế quan. Cơ quan này đến nay vẫn chưa được thành lập.
Ngay trong ngày đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico bắt đầu từ ngày 1-2, đồng thời từ chối đưa ra kế hoạch chi tiết về việc đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 26-1
Ông Trump đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Colombia cùng các biện pháp trả đũa khác. Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Colombia Gustavo Petro từ chối tiếp nhận hai máy bay quân sự Mỹ chở người nhập cư tới Colombia, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump không đối xử với người nhập cư một cách tôn trọng trong quá trình trục xuất.
Ông Petro cũng tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa tăng 25% đối với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên sau đó Colombia đã đảo ngược quyết định và chấp nhận tiếp nhận các chuyến bay chở người nhập cư. Cả hai nước nhanh chóng phát tín hiệu chấm dứt căng thẳng thương mại.
Ngày 1-2
Ông Trump ký sắc lệnh áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc, trong đó thuế đối với hàng hóa Trung Quốc là 10%, Mexico và Canada là 25%. Tổng thống Mỹ giải thích nguyên nhân của sắc lệnh là do vấn đề nhập cư không giấy tờ và buôn bán ma túy.
Động thái này lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ cả ba quốc gia, kèm theo các tuyên bố trả đũa.
Ngày 3-2
Ông Trump đồng ý tạm hoãn 30 ngày việc áp thuế đối với Mexico và Canada, sau khi hai nước láng giềng có động thái xoa dịu mối lo ngại của ông về an ninh biên giới và nạn buôn ma túy.
Ngày 4-2
Thuế mới 10% mà ông Trump áp lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Trung Quốc ngay trong ngày đã đưa ra loạt biện pháp đáp trả, bao gồm việc áp thêm thuế trên diện rộng đối với nhiều mặt hàng Mỹ và mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào tập đoàn Google.
Ngày 10-2
Ông Trump công bố kế hoạch tăng thuế đối với thép và nhôm bắt đầu từ ngày 12-3. Ông cũng bỏ hết các trường hợp được miễn thuế trong chính sách thép năm 2018, tức là tất cả thép nhập khẩu vào Mỹ đều sẽ bị đánh thuế ít nhất 25%. Đồng thời, tăng thuế nhôm từ 10% lên 25%, cao hơn gấp đôi so với mức cũ.
Ngày 13-2
Ông Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng – cam kết sẽ nâng thuế nhập khẩu của Mỹ lên tương đương với mức thuế mà các nước khác áp dụng đối với hàng hóa Mỹ, với lý do “để đảm bảo công bằng”.
Ngày 25-2
Tổng thống Trump ký sắc lệnh yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét liệu có cần áp thuế đối với kim loại đồng nhập khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia hay không. Ông viện dẫn vai trò của đồng trong quốc phòng, hạ tầng và các công nghệ mới nổi của Mỹ.
Ngày 1-3
Ông Trump ký thêm một sắc lệnh khác, chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ xem xét việc áp thuế đối với gỗ xẻ và gỗ nguyên liệu nhập khẩu, với lập luận rằng ngành xây dựng và quân đội phụ thuộc vào nguồn cung gỗ vững chắc trong nước.
Ngày 4-3
Mức thuế 25% mà ông Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico chính thức có hiệu lực, tuy nhiên ông giới hạn thuế đối với năng lượng nhập từ Canada chỉ ở mức 10%. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng tăng gấp đôi thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc lên 20%. Cả ba nước đều tuyên bố sẽ có các biện pháp trả đũa.
Thủ tướng Canada khi đó là ông Justin Trudeau công bố sẽ áp thuế trả đũa lên hơn 100 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 21 ngày. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết Mexico cũng sẽ áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, nhưng không nêu rõ các mặt hàng bị nhắm tới.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 15% đối với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10-3. Ngoài ra, Trung Quốc còn mở rộng danh sách các công ty Mỹ bị áp dụng kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác.
Ngày 5-3
Ông Trump tạm miễn thuế trong một tháng đối với hàng hóa từ Mexico và Canada có liên quan đến ngành sản xuất ô tô Mỹ. Quyết định tạm hoãn này được đưa ra sau khi ông Trump điện đàm với lãnh đạo ba hãng xe lớn của Mỹ là Ford, General Motors và Stellantis.
Ngày 6-3
Tổng thống Trump tiếp tục gia hạn, hoãn áp thuế 25% trong một tháng đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và một số mặt hàng từ Canada. Tuy nhiên, ông vẫn dự kiến sẽ bắt đầu áp thuế đối ứng từ ngày 2-4.
Ông Trump cho biết ông quyết định hoãn thuế lần nữa vì Tổng thống Sheinbaum của Mexico đã có tiến triển trong việc kiểm soát biên giới và ngăn chặn buôn ma túy.
Quyết định của ông Trump cũng phần nào làm dịu căng thẳng Mỹ-Canada. Sau khi Canada đã áp đợt thuế trả đũa đầu tiên trị giá 30 tỉ CAD (21 tỉ USD) lên hàng hóa Mỹ, Ottawa thông báo tạm ngưng đợt thuế trả đũa thứ hai, vốn có giá trị lên đến 125 tỉ CAD (87 tỉ USD).
Ngày 12-3
Các mức thuế mới Mỹ áp lên thép và nhôm nhập khẩu chính thức có hiệu lực. Không chỉ giới hạn ở thép và nhôm, các mặt hàng bị đánh thuế còn bao gồm dệt may, đồ gia dụng và hàng nông sản.
Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa thương mại, áp thuế mới lên các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của Mỹ, với tổng giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng lên đến khoảng 26 tỉ euro (28 tỉ USD). EU thông báo sẽ hoãn áp dụng các biện pháp trả đũa đến giữa tháng 4.
Trong khi đó, Canada tuyên bố kế hoạch áp thuế trả đũa trị giá 29,8 tỉ CAD (20,7 tỉ USD) đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào ngày 13-3.
Ngày 13-3
Ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 200% đối với rượu vang, champagne và rượu mạnh từ châu Âu nếu EU thực hiện kế hoạch đã công bố trước đó là đánh thuế 50% lên rượu whisky Mỹ.
Ngày 24-3
Ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào mua dầu hoặc khí đốt từ Venezuela, đồng thời áp thuế mới lên chính Venezuela bắt đầu từ ngày 2-4.
Ngày 26-3
Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, với lý do nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa, theo Nhà Trắng. Việc thu thuế đối với ô tô nhập khẩu sẽ bắt đầu từ ngày 3-4, trước mắt là các loại xe được nhập khẩu hoàn toàn, sau đó sẽ mở rộng sang các linh kiện ô tô trong những tuần tiếp theo. Toàn bộ quá trình sẽ hoàn tất vào ngày 03-05.
Ngày 2-4
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng lên các nước, tại Vườn Hồng (Nhà Trắng) ngày 2-4. Ảnh: AFP
Ông Trump công bố các mức thuế đối ứng lên hơn 100 nền kinh tế toàn cầu, gồm mức thuế cơ bản 10% với tất cả hàng nhập khẩu bắt đầu từ ngày 5-4, và các mức thuế cao có hiệu lực từ ngày 9-4.
Trung Quốc là quốc gia bị áp thuế cao nhất là 54%, bao gồm 34% thuế đối ứng và 20% thuế đã áp trước đó.
Trong khi đó, đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, Nhà Trắng cho biết các sản phẩm phù hợp với Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMC) vẫn được miễn thuế khi nhập vào Mỹ. Đối với các mặt hàng còn lại, nếu hai nước đáp ứng yêu cầu của ông Trump về vấn đề nhập cư và chống buôn lậu ma túy, thì thuế có thể giảm từ 25% xuống còn 12%.
Nga, Triều Tiên, cùng với Belarus và Cuba, không bị đưa vào danh sách áp thuế vì các nước này “đã bị áp thuế cực cao trước đó và các lệnh trừng phạt hiện hành của Mỹ đã ngăn chặn mọi giao dịch thương mại đáng kể với những nước này”.
Ngày 3-4
Các mức thuế nhập khẩu ô tô do ông Trump công bố trước đó chính thức có hiệu lực. Thủ tướng Canada - ông Mark Carney tuyên bố nước này sẽ áp mức thuế tương đương 25% đối với các xe nhập khẩu từ Mỹ để đáp trả.
Ngày 4-4
Trung Quốc công bố kế hoạch áp thuế 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 10-4, nhằm đáp trả mức thuế đối ứng mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết sẽ siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với đất hiếm. Bắc Kinh bổ sung thêm 27 công ty Mỹ vào danh sách bị trừng phạt thương mại hoặc hạn chế xuất khẩu.
Ngày 5-4
Mức thuế cơ bản 10% của ông Trump đối với gần như toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chính thức có hiệu lực.
Ngày 7-4
Ông Trump cảnh báo nếu Trung Quốc không rút lại mức thuế quan 34% mà Bắc Kinh thông báo sẽ áp lên Mỹ để đáp trả thuế đối ứng, Washington sẽ áp thêm 50% thuế lên hàng Trung Quốc từ ngày 9-4.
Ngày 9-4
Từ 0 giờ 01 ngày 9-4 (giờ Mỹ), các mức thuế đối ứng cao hơn bắt đầu được áp dụng.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, chính quyền ông Trump thông báo tạm hoãn thực thi thuế đối ứng lên các quốc gia trên toàn cầu trong 90 ngày để đàm phán. Trong thời gian này, mức thuế đối ứng áp lên các nước sẽ là 10%.
Tuy nhiên, ông Trump cho biết ông nâng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125% và có hiệu lực ngay lập tức.
Cũng trong ngày 9-4, thuế trả đũa của Canada đối với xe hơi Mỹ chính thức có hiệu lực.
EU ngày 9-4 cũng bỏ phiếu thông qua việc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ trị giá 23 tỉ USD, để phản ứng với các mức thuế mà Trump từng áp lên thép và nhôm.
THẢO VY